Biến động tỷ giá: Doanh nghiệp Việt “méo mặt”
Sau khi đồng nhân dân tệ phá giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh tỷ giá và ngày 19/8 mới đây tiếp tục tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng VND với USD lên 1%, biên độ tỷ giá được nới lên 3%.
Sáng 19/8, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ, nới biên độ tỷ giá lên +/-3%. |
Khi đồng nhân dân tệ bị phá giá, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tăng lên do giá rẻ hơn. Phía doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh hợp đồng, thương lượng lại để giảm giá... khiến lượng xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm, gây thua lỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc điều chỉnh tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chịu nhiều tác động.
Trao đổi với Phóng viên báo điện tử Infonet, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, Hiệp hội xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc bình quân mỗi năm khoảng 900 triệu USD, đứng thứ 4 sau Mỹ, EU, Nhật Bản. Nhiều nhất là các sản phẩm dăm mảnh và các loại gỗ xẻ.
Bên cạnh đó, số lượng nhập khẩu về chiếm khoảng 200 triệu USD (với các mặt hàng như ván nhân tạo, gỗ ép…). Do đó khi đồng nhân dân tệ giảm giá, giá thành của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 5%, hàng hóa tràn về Việt Nam và tác động đến các doanh nghiệp sản xuất ván nhân tạo, gỗ ép, và các sản phẩm gỗ xẻ trong nước.
“Năm ngoái chúng tôi bán sang Trung Quốc sản phẩm dăm mảnh giá 152 USD nhưng hai tháng vừa qua họ đã bắt đầu giảm giá, chỉ mua với giá 140 USD. Như vậy là đã giảm 10% rồi. Bên cạnh đó, trước đây Trug Quốc chủ yếu nhập sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của Đồng Kỵ và một số làng nghề khác nhưng 3-4 tháng nay họ không mua nữa. Các làng nghề hiện nay đang đình đốn”, ông Quyền nói.
Để đối phó với tình trạng này, ông Quyền cho biết: “Cách đây 3 ngày chúng tôi đã phải triển khai một cuộc họp khẩn gồm các khối doanh nghiệp gỗ nhân tạo và làng nghề. Chúng tôi khuyến cáo họ chuyển sang loại gỗ khác, không dùng gỗ quý hiếm mà chuyển sang gỗ bình thường”.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, việc chuyển đổi vật liệu yêu cầu phải chuyển công nghệ vì mỗi loại gỗ có công nghệ khác nhau. Kéo theo đó cần thay đổi công nhân, mặt bằng sản xuất. Do đó, hiện nay các doanh nghiệp đang xây dựng đề án và để trình lên UBND tỉnh trong tháng 9.
Ngoài ra các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng đang tập trung chuyển hướng sang các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc nhiều hơn.
“Chúng tôi đã có thỏa thuận sơ bộ với Hàn Quốc. Mọi năm họ mua khoảng 500 triệu USD, nhưng họ hứa sẽ tăng mỗi năm khoảng 10%, Nhật Bản cũng đồng ý tăng 5%”, ông Quyền nói.
Còn ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thủy sản Việt Nam Seaprodex cho biết có những thời điểm khó khăn công ty đã phải bán những lô hàng dưới giá thành. Nên việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN mới đây tăng tỷ giá thêm 1%, nới biên độ lên 3% chắc chắn sẽ có lợi cho xuất khẩu.
Tuy nhiên công ty đang có một lô hàng lớn nhập khẩu như thiết bị máy móc, hóa chất, vật tư liên quan đến thủy sản đã ký kết. Việc điều chỉnh này có lợi cho xuất khẩu tuy nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhập khẩu vì phải bỏ tiền Việt ra nhiều hơn quy đổi sang USD để thanh toán.
“Mấy hôm nay chúng tôi đang phải ngồi họp bàn lại với nhau để tính toán xem mức độ ảnh hưởng, tác động, điều chỉnh giá bán như thế nào. Phần lớn vật tư đều nhập khẩu nên tăng tỷ giá đối với nhập khẩu thì te tua”, ông Tân nói.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hội Thép Việt Nam cho biết, hằng năm ngành thép vẫn phải nhập một lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm rất lớn, đặc biệt nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 50%, tương đương với 9 tỷ USD.
Vì vậy điều chỉnh tỷ giá của NHNN mới đây sẽ có tác động hai mặt. Một mặt sẽ hạn chế được việc nhập siêu và sẽ có lợi cho những nhà xuất khẩu vì giá đô la đã ký sẽ thu được tiền Việt nhiều hơn. Mặt khác, ngành thép cũng sẽ gặp khó khăn vì phải mua với hàng hóa nguyên liệu đắt hơn.
"Nhập khẩu chắc chắn sẽ khó khăn, tuy nhiên con số cụ thể bao nhiêu phần trăm thì cần có thời gian”, ông Sưa nói.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết, mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm xuất sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên ông Hạnh lo ngại nhất là tình trạng nhập siêu, hàng hóa Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam, gây sức ép cho doanh nghiệp trong nước.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, việc NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá lên 1%, hiện nay cũng chưa thể đánh giá hết được tác động.
Tuy nhiên theo ông Nam, việc xuất khẩu trong 2 quý vừa rồi giảm, các nước lân cận cũng có những biện pháp vĩ mô như giảm lãi suất vay ngắn hạn, điều chỉnh tỷ giá, rõ ràng các nước cũng đang thúc đẩy xuất khẩu. Phía Việt Nam điều chỉnh như vậy là kịp thời, hỗ trợ cho xuất khẩu.