Biến động tỷ giá: Đại gia lỗ đau không chỉ các 'ông lớn' PVN, EVN hay TKV
“Ông lớn” Nhà nước lỗ đau
Kể từ 11/8, thời điểm Trung Quốc bắt đầu phá giá đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần nới rộng biên độ tỷ giá USD/VND. Hỗ trợ được xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu và các doanh nghiệp sở hữu khối nợ ngoại tệ lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Danh sách đại gia lỗ đau vì biến động tỷ giá có cả “ông lớn” Nhà nước và nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Tại cuộc họp của Bộ Công Thương diễn ra vào sáng ngày 3/9, đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều “than” chênh lệch tỷ giá đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn này.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc của TKV cho biết chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng lớn đến việc cân đối tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Đặc biệt liên quan đến sản xuất điện, chênh lệch tỷ giá đã khiến cho TKV bị lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng.
Đại gia lỗ đau vì biến động tỷ giá khi USD, EUR và JPY tăng mạnh |
Còn với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), theo ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng giám đốc PVN, hiện tập đoàn phải vay lượng lớn ngoại tệ để thực hiện các dự án lớn, nên việc điều chỉnh tỷ giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Xét về mức độ thiệt hại nặng nề nhất do tỷ giá, cả PVN và TKV đều đứng sau EVN. Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết chênh lệch tỷ giá đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn này.
Không tiết lộ cụ thể nhưng đại diện của EVN cho biết mức lỗ mà Tập đoàn này đang phải gánh chịu từ chênh lệch tỷ giá cho các dự án điện có thể gấp hơn chục lần con số “thiệt hại” của TKV.
Doanh nghiệp niêm yết lỗ nặng
Danh sách đại gia lỗ đau vì tỷ giá không chỉ có các ông lớn Nhà nước mà còn “bổ sung” thêm nhiều doanh nghiệp niêm yết như Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), ....
Trong đó, suốt nhiều năm trở lại đây, lợi nhuận của PPC thường xuyên được nhắc tới với mức độ biến động khá lớn do chênh lệch tỷ giá. Khi thì lợi nhuận giảm do tỷ giá tăng, khi thì lợi nhuận tăng do tỷ giá giảm.
Sở dĩ, lợi nhuận của PPC phụ thuộc khá nhiều vào tỷ giá là do PPC nắm giữ nợ ngoại tệ rất lớn. Hiện nay, PPC nợ 24,13 tỷ Yên (JPY). 5 tháng đầu năm 2014, PPC khiến cổ đông giật mình khi công bố khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 201 tỷ đồng.
Sang nửa đầu năm 2015, tỷ giá ổn định giúp hoạt động của PPC tốt hơn. 6 tháng đầu năm 2015, lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện tại PPC “chỉ” là 77 tỷ đồng, giảm so với con số lỗ 255 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá 6 tháng 2014.
Thế nhưng, từ giữa tháng 8, “đồng hành” cùng USD, giá Yên tăng đáng kể, tăng 11,54 đồng/JPY, tương ứng 6,7% lên 183,95 đồng/JPY (ngày 3/9). Điều đó đồng nghĩa với việc lỗ chênh lệch tỷ giá trong hơn nửa tháng qua tại PPC vọt lên 278,5 tỷ đồng. Điều đáng nói, lợi nhuận hợp nhất của công ty trong suốt 6 tháng là 368 tỷ đồng, chỉ nhiều hơn lỗ chênh lệch tỷ giá chút ít.
Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) gánh chịu sự biến động của hai ngoại tệ USD và EUR khi công ty nợ 134,8 triệu USD và 123,2 triệu Euro. Khoản nợ bằng đồng bạc xanh khiến công ty lỗ 90,3 tỷ đồng do USD, lỗ 140,6 tỷ đồng do EUR khi EUR tăng 1.141,6 đồng.
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) cũng nằm trong danh sách các công ty gặp rủi ro khi tỷ giá tăng mạnh vì PVD nợ 610 triệu USD. Từ 11/8 tới 3/9, giá USD tăng 670 đồng/USD lên 22.455 đồng/USD khiến giá trị khoản nợ tính theo tiền đồng tăng 408,7 tỷ đồng. Nghĩa là lỗ do chênh lệch tỷ giá từ các khoản nợ là 408,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, PVD là trường hợp đặc biệt. Dù khoản nợ đồng USD tính theo tiền đồng tăng mạnh nhưng do PVD giao dịch hoàn toàn bằng USD nên công ty cũng được lợi từ các khoản thu nhập bằng USD.
Khẳng định trên Trí Thức Trẻ, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc PVD cho biết về bản chất, rủi ro tỷ giá trong dài hạn là không có. Hiện nay, 80% - 90% tổng nguồn thu của PVD chủ yếu bằng USD, trong khi đó chi phí bằng USD chiếm khoảng 70% - 75% tổng chi phí.
Vì vậy, bà Phương nhấn mạnh PVD có đủ nguồn thu để thanh toán các khoản chi phí phát sinh từ ngoại tệ. Nói đúng ra, biến động tỷ giá như hiện nay phần nào mang lại lợi thế cho PVD.
Theo VTC