Biến cơ sở ngụy quân thành Bệnh viện 30 tháng 4
![]() |
Bệnh viện 30-4 ngày nay |
Đây là một thời kỳ oanh liệt của lực lượng y tế Ban Dân y miền Nam, trong đó có bệnh xá Ban An ninh TW Cục miền Nam. Lực lượng này đã cùng Ban Dân y sát cánh cùng bộ đội chiến sĩ trong các cuộc chiến dịch đầy những gian khổ, hy sinh để làm nhiệm vụ cứu chữa chăm sóc chiến sĩ, đồng thời chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, ngày 29/4/1975, tại hậu cứ bắc Tây Ninh, hơn 500 xe quân sự của Ủy ban quân quản bắt đầu xuất phát với lực lượng trinh sát mở đường cho cán bộ chiến sĩ đoàn 180 tiến thẳng về hướng Sài Gòn. Trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn có một bộ phận y bác sĩ bệnh xá với nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ trên đường tiếp quản Sài Gòn, sẵn sàng tiếp quản cơ sở mà địch bỏ chạy để lại.
Chiều ngày 30/4/1975, đoàn tiếp quản tiến vào Sài Gòn. Sáng ngày 1/5/1975, đoàn y bác sĩ bệnh xá đến tiếp quản bệnh viện Cảnh sát quốc gia ngụy Sài Gòn. Khi vào tiếp quản, Giám đốc bệnh viện Cảnh sát quốc gia ngụy Sài Gòn, Trung tá Đặng Trọng Mẫn đang còn ở lại bệnh viện, cùng nguyên trạng bệnh viện toàn khoa hạng nhất với 450 giường bệnh của Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia ngụy. Hai trung tá phó giám đốc bệnh viện đã di tản.
Giám đốc bệnh viện cũ đã phải giao lại bệnh viện và toàn bộ vũ khí cho đoàn tiếp quản. Trong bệnh viện lúc đó còn 236 nhân viên với 62 khẩu súng các loại cùng bốn công sự hầm ngầm ở bốn góc của bệnh viện và tiền. Đến chiều ngày 1/5/1975 công tác tiếp quản bệnh viện Cảnh sát quốc gia ngụy Sài Gòn cơ bản đã hoàn thành.
Khi tiếp quản bệnh viện Cảnh sát quốc gia ngụy, ta phát hiện có 5 đồng chí bộ đội sư đoàn 5 bị địch bắt nhốt tại bệnh viện. Ta đã ra lệnh cho nguyên giám đốc bệnh viện phải đảm bảo tốt sức khỏe cho các đồng chí bộ đội này. Khoảng một tuần sau, 5 đồng chí bộ đội đã trở về đơn vị cũ.
Những bệnh nhân đầu tiên được điều trị trong ngày đầu giải phóng là 7 tù chính trị của ta bị địch giam trong trại giam của Tổng nha cảnh sát ngụy, 5 chiến sĩ công an vũ trang, một số thương bệnh binh và khoảng 20 người là thân nhân của gia đình cảnh sát.
Khi hòa bình lập lại, bệnh viện Cảnh sát quốc gia ngụy được đổi tên thành Bệnh viện 30-4 và lập tức hoà vào phong trào chung để giải quyết tình hình dịch bệnh, y tế tại Sài Gòn. Từ chỗ chỉ có vài chục chiến sĩ, cán bộ, Bệnh viện 30-4 đã phát triển lực lượng nhanh chóng lên 500 cán bộ, công nhân viên cùng những ứng dụng khoa học kỹ thuật cao đang từng ngày góp phần điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và nhân dân.