Bí thư Nghệ An: 'Không dung túng, bao che cho việc khai thác khoáng sản trái phép'
“Kiên quyết, quyết liệt, không dung túng, không khuất tất, không bao che cho việc khai thác khoáng sản trái phép…, làm hỏng hạ tầng, không đảm bảo quy định về môi trường”, Chủ tịch HĐND, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - ông Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
Nhức nhối việc khai thác khoáng sản trái phép
Vào khoảng 01h sáng ngày 27/10/2021, Công an huyện Thanh Chương (Nghệ An) phối hợp với chính quyền địa phương các xã Thanh Tiên, Thanh Giang và Thị trấn Thanh Chương bắt quả tang, lập biên bản xử lý các đối tượng khai thác cát, sỏi trên sông Lam trái phép.
Tại thời điểm bị bắt giữ, các chủ của 4 xà lan đã không chứng minh được các giấy tờ và thủ tục hợp lệ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ phương tiện và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào tháng 7/2021, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an huyện Hưng Nguyên phát hiện nhiều đối tượng đang khai thác cát trái phép trên sông Lam, thuộc địa phận xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên.
Lực lượng chức năng bắt quả tang 3 đối tượng cùng trú xã Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên) có hành vi khai thác và tập kết trái cát trái phép; thu giữ 2 thuyền vỏ sắt tự và gần 100m3 cát.
Một xà lan khai thác cát, sỏi trái phép bị bắt giữ khi khai thác trái phép trên sông Lam. |
Thời gian vừa qua, Infonet đã phản ánh tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn, trong đó nhiều phương tiện có dấu hiệu quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường, đặc biệt trên quốc lộ 46 (đoạn qua huyện Thanh Chương, Nghệ An), gây mất trật tự an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Mới đây, tất cả các điểm mỏ khai thác và bến bãi tập kết trên địa bàn Thanh Chương bỗng nhiên dừng hoạt động khai thác và bán vật liệu khiến người dân bức xúc. Từ đó, các phương tiện muốn lấy cát, sỏi để cung cấp cho người dân phải đi xuống huyện Nam Đàn và ngược lên Đô Lương để mua, nên chi phí lại tăng cao… Theo phán đoán của một số chủ xe tải, các chủ mỏ, chủ bến cố ''om hàng'' để tăng giá bán.
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 254 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó có: 61 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 193 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ nhiều phương tiện, tang vật vi phạm, khởi tố nhiều vụ án, bị can.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở một số loại khoáng sản như: đất san lấp, cát sỏi lòng sông, quặng thiếc, đá trắng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ mất an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản, gây thiệt hại về người, tài sản. Điển hình là khai thác đá trắng, quặng thiếc trên địa bàn huyện Quỳ Hợp; khai thác đá xây dựng ở các địa phương như Tương Dương, Yên Thành, Đô Lương...
Hoạt động khai thác cát, sỏi trên dòng sông Lam, đoạn qua huyện Thanh Chương, Nghệ An. |
Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 1.000 lượt kiểm tra; phát hiện, xử lý 758 vụ; khởi tố 09 vụ, 11 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 748 vụ với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Đặc biệt là việc khởi tố 1 vụ án và bị can vụ khai thác khoảng sản đá hoa trắng quy mô lớn tại địa bàn huyện Quỳ Hợp, có sức lan tỏa mạnh trong việc răn đe, ngăn chặn…
Chiều 8/12, tại buổi chất vấn kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII về nội dung công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về những bất cập trong công tác cấp phép, khai thác, quản lý khoáng sản trên địa bàn còn nhiều bất cập hay chống thất thu thuế…; đặc biệt là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra hết sức phức tạp trên các dòng sông ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy.
Trả lời một trong những vấn đề này bất cập này, Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An - ông Hoàng Quốc Việt cho biết, một bộ phận dân cư sinh sống trên chính dòng sông Lam hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, ảnh hưởng đến dòng chảy và tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông Lam.
“Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông là nguồn thu nhập, nghề nghiệp chính và truyền thống của một bộ phận nhân dân vùng sông nước (định cư, sinh sống nhiều thế hệ trên tàu thuyền). Vì vậy, để xử lý dứt điểm việc khai thác cát sỏi trái phép trên sông, đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân là một vấn đề không đơn giản, đòi hỏi phải có lộ trình thực hiện…”, ông Việt nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục thuế Nghệ An giải trình: Trong hoạt động quản lý thuế, khai thác khoáng sản trên địa bàn, Cục hiện quản lý 294 tổ chức doanh nghiệp có khai thác khoáng sản và nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Năm 2020 đã nộp 869 tỷ, riêng 11 tháng năm 2021 đã nộp 1.125 tỷ, gần 8% tổng thu ngân sách.
Năm 2020 triển khai 86 đoàn thanh tra, kiểm tra, truy thu hơn 25 tỷ; 11 tháng năm 2021 thực hiện 60 đoàn, truy thu 15,6 tỷ. Tuy nhiên công tác quản lý tài nguyên nói chung, thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập. Trong đó,có 2 hiện tượng: Khai thác trái phép, khai thác vượt công suất thiết kế. Hiện tượng này diễn ra các hoạt động khai thác đất đá, cát sỏi, quặng thiếc..., công suất ít khai thác nhiều. Nguyên nhân do nhu cầu thực tế về tài nguyên lớn hơn so với trữ lượng, công suất cấp phép hàng năm. Nhiều doanh nghiệp không muốn trốn thuế nhưng viết hoá đơn sẽ vi phạm quy định.
Phải kiên quyết, không dung túng, bao che vi phạm khai thác khoáng sản
Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An ông Thái Thanh Quý đánh giá, thời gian qua công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn đã có những chuyển biến; tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, tác động xấu đến môi trường. Làm hỏng hạ tầng, nhất là đường xá, rồi khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân.
Việc các phương tiện chở có dấu hiệu quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ, nguy cơ gây hỏng hạ tầng rất lớn. |
Chất lượng thăm dò trữ lượng để cấp phép có thể nói là yếu, quản lý ranh giới khai thác, quản lý trữ lượng khai thác, rồi khai thác trái phép, thất thu thuế, tác động đến môi trường, hạ tầng; làm phiền và tác động đến nhân dân ở xung quanh khu vực khai thác. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải vào cuộc quyết liệt, hành động mạnh mẽ hơn.
“Tôi đề nghị UBND tỉnh, các ngành, các cấp liên quan thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Đó là kiên quyết, quyết liệt, không dung túng, không khuất tất, không bao che cho việc khai thác khoáng sản trái phép, không đúng quy định, không đúng giấy phép được cấp, làm hỏng hạ tầng, không đảm bảo quy định về môi trường”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định.
Nghệ An: Xôn xao loạt mỏ khai thác cát sỏi dừng bán "để bắt tay tăng giá"?
Không thể lấy được cát, sỏi ở địa bàn như trước, nhiều tài xế xe tải ở Thanh Chương (Nghệ An) phải đến các huyện khác lấy hàng về cung cấp cho người dân; nghi ngờ chủ mỏ, chủ bến cố ''om hàng'' để tăng giá bán.
Nghệ An: Xe chở cát sỏi 'bát nháo' trên quốc lộ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn TNGT
Tình trạng xe chở cát sỏi có ngọn, dấu hiệu quá tải hoạt động rầm rộ trên tuyến Quốc lộ 46,46B gây mất an toàn giao thông (ATGT) và ô nhiễm môi trường.
Việt Hòa