Bí quyết ôn tập giành điểm cao môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2020
Trong quá trình ôn tập chuẩn bị thi THPT quốc gia 2020 thí sinh cần lưu ý những gì để đạt kết quả tốt nhất với bài làm môn Ngữ văn?
Liên quan đến vấn đề này cô Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho hay: Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nội dung kiến thức và kỹ năng trong đề thi THPT Quốc gia mấy năm nay tập trung chủ yếu ở lớp 12, do đó các em chủ động ôn tập theo hướng dẫn.
Với môn Ngữ văn, trong phần kiến thức lớp 12, học sinh đã học xong toàn bộ chương trình học kỳ I, vì thế các em nên ôn tập theo những đơn vị kiến thức cơ bản trong mô hình đề thi mấy năm nay với 3 phần: Đọc hiểu, viết đoạn văn nghị luận xã hội, viết bài văn nghị luận văn học.
Để làm tốt kiểu bài đọc hiểu, các em cần ôn lại hệ thống kiến thức tiếng Việt đã được học từ bậc THCS tới THPT, luyện kỹ năng trả lời câu hỏi theo các mức độ: Nhận biết/thông hiểu/vận dụng và vận dụng cao. Muốn làm tốt kiểu viết đoạn văn nghị luận xã hội, HS cần nắm chắc kỹ năng viết đoạn, thu nạp thêm các kiến thức xã hội.
Ảnh minh họa |
Theo cô Trịnh Thu Tuyết bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài thi THPT quốc gia, cũng là bài các em cần huy động nhiều nhất thời gian, công sức cho ôn luyện.
Do vậy, trước mắt, các em ôn lại toàn bộ phần văn học Việt Nam đã học ở học kì I, với các mảng chính: các tác giả (Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân); tác phẩm chính luận Tuyên ngôn độc lập; 4 bài thơ: Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước, Sóng; hai tác phẩm văn xuôi trữ tình: Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông…
Các sai sót hay gặp phải khi làm bài thi Ngữ văn
Những sai sót học sinh hay mắc phải khi làm bài thi THPT quốc gia tập trung nhiều vào phần kỹ năng: Thứ nhất là kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu, các em thường lúng túng khi xác định phương thức biểu đạt hoặc phong cách ngôn ngữ của văn bản, sa đà phân tích ở câu nhận biết nhưng lại sơ sài trong câu thông hiểu hoặc chưa tự tin thể hiện suy nghĩ, cách kiến giải độc lập của mình trong câu hỏi vận dụng…
Sai sót thứ hai là kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội, các em hay nhầm lẫn và viết thành dạng bài văn thu nhỏ, nhiều khi viết khuôn sáo, chung chung, hời hợt, chưa thể hiện cái tôi độc lập trong tư duy...
Một sai sót nữa là kiến thức và kỹ năng viết bài nghị luận văn học, HS nhiều khi không nắm vững kiến thức tác phẩm, không nhớ chính xác các chi tiết văn xuôi hoặc các câu thơ quan trọng. Điều này dẫn đến phần nghị luận nhiều khi hời hợt, thậm chí viết theo văn mẫu, sai lạc với yêu cầu của đề bài.
Những sai sót đó cũng là kiến thức, kỹ năng các em cần học hỏi theo định hướng, điều chỉnh của thầy cô, ôn luyện cho thành thục. Quan trọng nhất trong tất cả các kiểu dạng bài là rèn kỹ năng xác định đúng yêu cầu của đề, kỹ năng diễn đạt chuẩn xác, sáng tạo và độc lập.