Bí mật của những sinh vật nửa bên đực, nửa bên cái
Theo BBC, hồi đầu những năm 1920, tiến sĩ về động vật H.E. Schaef đã có cơ hội được tìm hiểu một con gà có nửa bên đực và nửa bên cái. Nếu nhìn từ bên phải, con gà của Schaef trông giống bất kỳ con gà trống bình thường nào khác với bộ mào đỏ tươi và dáng vẻ oai vệ. Tuy nhiên, ở phía bên trái, đây là một con gà chuẩn mái với hình dáng nhỏ nhắn hơn và bộ lông kém sặc sỡ hơn.
Thậm chí, con gà này còn có cả những hành vi của cả giống đực và giống cái. Nó muốn đạp mái và cũng đẻ trứng.
Chú gà đặc biệt với nửa bên trống và nửa bên mái. |
Khi chú gà đặc biệt này bị chết, tiến sỹ Schaef đã kiểm tra xem liệu điều gì đã làm nên sự đặc biệt. Lúc vặt lông, ông thấy rõ phần khung xương bên phải gà to hơn nhiều so với phần bên trái. Trong bụng chú gà này có cả tinh hoàn lẫn buồng trứng và một quả trứng non. Trông như thể ai đó đã lấy một nửa con gà mái và một nửa con gà trống rồi gắn vào nhau vậy.
Ngày nay, chúng ta gọi những con vật có nửa bên đực và nửa bên cái là những "cá thể lưỡng giới" (bilateral gynandromorphs).
Khác với những sinh vật lưỡng tính (hermaphrodites) - có hai giới tính trộn lẫn vào nhau, những sinh vật lưỡng giới này có hai phần khác biệt hẳn trên toàn cơ thể: một nửa là giống đực, nửa kia là giống cái.
Những sinh vật đặc biệt này thường rất cô đơn. |
Có rất nhiều trường hợp tương tự như con gà của tiến sỹ Schaef.
Ngày 7/5/1752, ông M Fisher ở Newgate đã giới thiệu một con tôm hùm cũng có hai nửa hoàn toàn khác biệt. Ở các loài khác như cua, sâu tằm, bướm, ong, rắn và một số loài chim khác cũng xuất hiện những cá thể đặc biệt tương tự.
Ông Michael Clinton thuộc Đại học Edinburgh ở Anh đã ước tính xác suất cá thế lưỡng giới ở chim là từ 1/10.000 đến 1/1.000.000.
Lỗi trong quá trình phát triển phôi thai?
Vậy tại sao những sinh vật đặc biệt này lại xuất hiện? Rất nhiều người cho rằng đó là do lỗi về gene sau khi thụ thai. Giới tính của một con vật do sự kết hợp của các nhiễm sắc thể giới tính quyết định. Cơ chế này khác biệt ở những loài khác nhau. Ở người, đàn ông có cặp nhiễm sắc thể XY, phụ nữ có cặp nhiễm sắc thể XX. Ở gà thì con trống có cặp nhiễm sắc thể ZZ, còn con mái có cặp nhiễm sắc thể ZW.
Sinh vật lưỡng giới xuất hiện ở nhiều loại động vật khác nhau. |
Tuy nhiên, khi một tế bào bị mất đi, một trong hai nhiễm sắc thể cùng cặp, những biến đổi to lớn về giới tính sẽ xuất hiện ở con vật đó.
Ví dụ, nếu phôi gà mang cặp nhiễm sắc thể ZW đang trong quá trình phát triển mà một tế bào bị mất đi nhiễm sắc thể W (tức là chỉ còn lại nhiễm sắc thể Z) thì tế bào đó sẽ thiếu gene để hình thành một con gà mái, do vậy con gà sẽ phát triển phần giống đực.
Tất cả những tế bào được nhân lên từ tế nào đó cũng đều mang nhiễm sắc thể Z tạo ra con trống.
Trong khi đó, những tế bào khác trong phôi vẫn mang đủ cặp ZW để phát triển thành gà mái. Do đó dẫn đến việc một con gà lưỡng giới với một nửa trống (mang nhiễm sắc thể Z thay vì ZZ) và một nửa mái (mang nhiễm sắc thể ZW) được hình thành.
Lỗi trong quá trình hình thành trứng?
Tuy nhiên, sau này, sau khi chụp gen của vài con gà nửa bên đực, nửa bên cái khác, ông Michael Clinton thấy các nhiễm sắc thể giới tính hoàn toàn bình thường trên toàn bộ con gà. Tức là, nửa đực vẫn đủ cặp nhiễm sắc thể ZZ và nửa cái vẫn có cặp nhiễm sắc thể ZW.
Điều này được giải thích là, con gà được hình thành từ hai con gà sinh đôi khác trứng, hợp nhất thành một ở ngay chính giữa cơ thể.