Bi kịch ngục tù của những người Việt bị lừa sang Anh trồng cần sa
Nhọc nhằn tới nước Anh
Luật sư bào chữa hình sự Philippa Southwell cho hay, trong những năm gần đây, bà thường xuyên phải đại diện cho những thân chủ, chủ yếu là những nam thanh niên và bé trai người Việt Nam bị lừa sang Anh làm việc trong các nông trại trồng cần sa.
Những người này chủ yếu xuất thân từ những gia đình nghèo khó và họ thường nghĩ rằng phương Tây là một cơ hội để thoát khỏi cảnh cơ cực.
Một nhà trồng cần sa bị truy quét tại Anh. |
Năm 2013, Bộ Nội vụ Anh ước tính có tới 13.000 nạn nhân đang sống trong tình cảnh bị áp bức ở Anh, hầu hết đến từ Việt Nam, Albania, Nigeria và Romania.
Nhiều người Việt Nam, trong đó có nhiều trẻ em, phải trải qua quãng đường hàng nghìn dặm bằng cách đi bộ, đi thuyền và xe tải trong nhiều tháng trời, thậm chí cả năm trời để tới được bờ biển nước Anh.
Bà Southwell cho hay: “Họ bị vận chuyển qua Nga, Đức, Pháp. Một số phải đi bộ qua rừng nhiều ngày trời. Họ phải ngủ trong các lán trại và trốn trong những thùng xe tải bẩn thỉu. Ở trong đó, họ phải giữ im lặng, không được cử động và thở ngột ngạt. Thậm chí, họ phải đi vệ sinh ngay tại đó”.
Cơ cực trong cảnh bị áp bức
Khi đến Anh, họ bị những kẻ buôn người giam giữ như tù nhân và bị ép trồng cần sa để trả cho số nợ lên đến 46.000 USD (chi phí được đưa sang Anh). Nơi trồng cần sa là những ngôi nhà có hệ thống làm nóng phức tạp, những chiếc bóng điện cao áp bỏng rát.
Hàng nghìn người Việt Nam đang bị ép trồng cần sa trong điều kiện rất khắc nghiệt tại Anh. |
Bà Southwell nói thêm: “Điều kiện đó rất nguy hiểm. Dây điện ở khắp mọi nới. Cửa sổ luôn bị đóng kín để họ không thể trốn ra được. Các cánh cửa cũng có những màn chắn và ánh sáng mặt trời không thể lọt vào.
Bế tắc, sợ hãi trong vòng lao lý
Trong trường hợp bị phát hiện, thường là trong các cuộc truy quét của cảnh sát, những người bị ép trồng cần sa thường bị coi là tội phạm chứ không phải là nạn nhân.
Bà Chloe Setter thuộc tổ chức thiện nguyện ECPAT UK chuyên bảo vệ cho các trẻ em là nạn nhân của nạn buôn người cho hay: “Tôi được biết, chưa có băng nhóm buôn người Việt Nam nào bị truy tố vì đưa trẻ em đến đây làm nô lệ trồng cần sa. Nhưng chúng ta đã nhốt, truy tố và kết tội nhiều nạn nhân hơn là truy tố những kẻ đã bóc lột các em”.
Năm 2013, Toà án tối cao ở England và xứ Wales đã ra phán quyết rằng các nạn nhân của nạn buôn người không nên bị truy tố khi tòa xóa tội cho 3 người Việt Nam, trong đó có một người là thân chủ của bà Southwell, vì các tội liên quan đến ma túy.
Những khu nhà trồng cần sa nóng nực và không có ánh sáng mặt trời. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phán quyết đó cũng không có mấy tác dụng.
Theo bà Setter, cảnh sát vẫn bắt giữ các thiếu niên trồng cần sa nhưng lại không tìm được manh mối dẫn đến những kẻ buôn người.
Bà Southwell cho hay, luật sư của các em thường khuyên các em nhận tội chứ không nhận ra rằng các em là nạn nhân của nạn buôn người và bóc lột.
Năm 2013, chính phủ Anh đã ban hành một dự luật để giải quyết tình trạng số vụ buôn người và nô lệ tăng nhanh. Đạo luật Nô lệ hiện nay dự định sẽ được thông qua trước kỳ bầu cử vào tháng 5/2015. Nó thừa nhận rằng các nạn nhân của nạn buôn người có thể bị cưỡng ép thực hiện các hành vi tội phạm hình sự.
Một khi đã phải chịu án liên quan đến cần sa, nhiều người Việt Nam ở Anh bất hợp pháp đã bị trục xuất về nước. Tuy nhiên, ông Mimi Vũ từ Tổ chức Vòng Tay Thái Bình (Pacific Links Foundation) của Mỹ cho hay, khi có tiền án, họ thường có xu hướng quay trở lại làm việc cho mạng lưới mà họ đã tham gia trước đó.
Theo Reuters, Bộ Công an Việt Nam cho biết, 60% những kẻ buôn người bị bắt là nạn nhân buôn người trước đó.
Ông Mini Vu nói: "Tất cả những gì họ biết là thế giới tội phạm. Họ đã bị hãm hiếp, bị đánh đập, bị lạm dụng. Họ đã bị đầu độc nhân phẩm vì vậy họ sẽ rất khó để vượt qua danh giới đó”.
Bà Southwell thì cho rằng: "Điều vô cùng quan trọng là họ phải nhận ra được rằng họ là nạn nhân chứ không phải là tội phạm. Tôi nghĩ đó là cách cho họ niềm tin”.
Mặc dù cần sa bị coi là phạm pháp ở Anh từ năm 1928, nhưng đây vẫn là thứ ma túy thông dụng nhất ở nước này hiện nay. Có tới 2,7 triệu người tiêu thụ hơn 1.000 tấn cần sa với giá trị ước tính khoảng 9,2 triệu USD mỗi năm.
Theo Hiệp hội Các Cảnh sát Trưởng Anh Quốc (Association of Chief Police Officers), hầu hết cần sa tiêu thụ ở Anh được trồng trong nước.
Trong 4 năm kể từ năm 2008 đến 2012, số trang trại trồng cần sa đã tăng gấp đôi so lên gần 8.000.
Tuy nhiên, những điểm trồng cần sa này nằm rải rác trên khắp nước Anh, tránh xa các thành phố lớn, những nơi dễ lọt vào ‘tầm ngắm’ của cảnh sát.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.