Bị chép phạt 100 lần vì từ chối làm bài văn tả thần tượng
Đó là chia sẻ của cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) về trường hợp một học sinh lớp 6 là con của bạn mình.
Lý do là cô giáo ra đề bài “Hãy kể về thần tượng của em”. Học sinh này không làm bài vì lý không có thần tượng nào dù biết cách làm bài.
Cuối cùng, con gái của người bạn bị cô giáo phạt phải chép 100 lần câu: "Em xin lỗi cô, lần sau em không thế nữa”. Cô bé vừa chép phạt vừa khóc vì không hiểu sao mình bị phạt.
Câu chuyện học sinh bị chép phạt 100 lần vì từ chối làm bài văn tả thần tượng được vị phụ huynh chia sẻ. |
Cô Tuyết cho hay, sự việc xảy ra cách đây mấy hôm và người bạn cũng sống ở Hà Nội. Cô Tuyết khá bất bình về chuyện này và hy vọng cô giáo của cháu không thuộc số đông giới giáo viên.
Cô Tuyết cho rằng, trước hết, đề bài chưa ổn về kiến thức, kĩ năng khi câu lệnh yêu cầu kể về một đối tượng mà với học trò, có thể không tồn tại, hoặc có thể các em cũng không hiểu khái niệm “thần tượng” là gì.
“Đề bài và hình phạt của cô với trò sau đó đã cho thấy tâm lý nô lệ đáng sợ trong giáo dục con người - khi yêu cầu con người buộc phải có đối tượng để sùng bái. Cô giáo đã làm tổn thương cái tôi cá nhân của học trò khá nặng nề”, cô Tuyết chia sẻ.
“Câu chép phạt 100 lần: “Em xin lỗi cô, lần sau em không thế nữa” cộng thêm lời kể của mẹ bé: Con vừa chép vừa khóc vì “con không hiểu sao con bị phạt” là minh chứng đau lòng cho sự thất bại thảm hại của giáo dục. Chẳng lẽ lần sau con cứ phải sùng bái một ai đó hay phải cố viết những điều giả dối?.
Phải chăng mục đích của giáo dục là xóa bỏ cái tôi tự trọng, trung thực và biến đối tượng giáo dục thành những robot không được phép phản biện”, cô Tuyết nói.
Phụ huynh chia sẻ về việc đã thử cách coi mẹ là thần tượng nhưng không thành công. |
Chia sẻ của cô Tuyết cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng văn học là phải linh hoạt, thử thách bản thân với những con chữ và thái độ của em học sinh bị chép phạt là “thách thức giáo viên”, bởi có thể không có thần tượng nhưng với một đề văn như vậy phải “biết cách tưởng tượng để hoàn thiện bài văn”.
“Em học lớp 6, nơi mà chủ yếu em được học về miêu tả và tưởng tượng. Thử hỏi bài văn yêu cầu em nhập vai Thạch Sanh, em nói rằng chưa gặp bao giờ nên không biết đặc điểm để nhập vai. Hay yêu cầu tả người ông thì do ông em mất rồi nên không tả và như thế thì mọi đề văn đều không cần làm. Lý lẽ như thế có thể áp dụng cho mọi đề bài”, ý kiến này cho hay.
Phản biện lại quan niệm này, cô Trịnh Thu Tuyết cho hay, tưởng tượng luôn cần cơ sở và không bao giờ đồng nghĩa với bịa đặt.
“Cháu nói biết cách làm bài nhưng không có thần tượng” cho thấy cháu đã tiếp nhận được lý thuyết cô dạy, nắm được phương pháp làm bài. Còn nội dung bài yêu cầu viết về thần tượng, nếu cháu đã phải nói rằng “mẹ có nhiều cái tốt nhưng cũng không phải là thần tượng của con”, thì tôi nghĩ đó không phải là thách thức giáo viên. Việc cho rằng học sinh phải “tưởng tượng để hoàn thiện bài văn” chẳng phải đã khiến chúng ta gặp bao nhiêu bi kịch chỉ vì những “tưởng tượng để hoàn thiện” này sao? Chẳng hạn với nhân vật Thạch Sanh là nhân vật trong truyện cổ tích đã được thầy cô dạy, các em hoàn toàn có thể căn cứ vào những đặc điểm cơ bản của nhân vật được học mà tưởng tượng nhập vai”.