Bị cáo vụ Vinalines: Đến hôm nay mới biết là sai!
14h50’, khi được HĐXX xét hỏi, bị cáo Mai Văn Khang, nguyên thành viên ban quản lý dự án, đề nghị HĐXX minh oan vì cho rằng mình không phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không minh oan được thì mong tòa xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Theo bị cáo Mai Văn Khang, khi tham gia đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga bị cáo chỉ làm công việc phiên dịch, bị cáo không có chức vụ gì. Tại Nga khi tham gia đoàn khảo sát bị cáo cũng được chứng kiến 1 phần nổi của ụ 83M. Khi về bị cáo chỉ ký vào văn bản những gì được dịch từ tiếng Anh ra.
Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi ụ nổi đã quá cũ, 42 năm rồi liệu có còn sử dụng được không, bị cáo Khang cố lý giải: "Nếu được sửa chữa thì ụ nổi này vẫn sử dụng được. Trong vụ mua ụ nổi, bị cáo không có động cơ, mục đích gì cả. Việc mua ụ nổi 83M, khi đoàn khảo sát sang Nga thì anh Chiều cũng đã nói với Cty Nakhadka (Nga) muốn mua trực tiếp tại nhà máy, tuy nhiên do thủ tục mua bán rất phức tạp, lại phải xin Bộ Quốc phòng nên phải mua qua trung gian là Cty AP, còn giá cả mãi sau này bị cáo mới biết ụ nổi đó có giá 9 triệu USD".
15h15', trả lời HĐXX bị cáo Lê Văn Dương (SN 1971, quê Hà Nam), nguyên Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt thay cho việc kháng cáo kêu oan trước đó. Đến phiên tòa này bị cáo vẫn khẳng định ụ nổi 83M không phải là tàu biển. Tuy nhiên, khi báo cáo bị cáo có nêu rõ việc, ụ nổi đã 42 năm theo quy định thì không đủ điều kiện để nhập khẩu, thêm vào đó máy phát điện hư hỏng nhưng sau đó bị cáo lại sửa chữa lại nội dung báo cáo.
15h40', bị cáo Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, quê Khánh Hòa), nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa khai việc Vinalines nhập khẩu ụ nổi 83M để phục vụ việc sửa chữa tàu, theo quy định không phải có giấy phép của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên HĐXX đã đưa ra Điều 11, Luật hàng hải trong đó ghi rõ “...tàu biển bao gồm cả các ụ nổi cấu trúc di động...” thì ụ nổi 83M mà Vinalines đã nhập khẩu là tàu biển nên phải tuân thủ đầy đủ quy định về việc nhập tàu.
Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Đức mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Về trách nhiệm dân sự bị cáo Đức cho rằng phải bồi thường 9 tỷ đồng là quá lớn, mong HĐXX xem xét lại.
Bị cáo Lê Văn Lừng (SN 1959, quê Thanh Hóa), nguyên Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa khai, đến hôm nay bị cáo mới thấy việc làm của mình là sai. "Khi kiểm tra ụ nổi tôi biết ụ nổi hư hỏng nhiều, han gỉ, không hoạt động được tôi đã báo cáo anh Đức, chi cục phó và cho làm thủ tục thông quan. Bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì bản thân bị cáo đã có 12 năm trong quân đội, 6 năm bảo vệ Trường Sa, bố mẹ hơn 90 tuổi, vợ bị cáo đang bị ung thư, trong vụ mua ụ nổi của Vinalines bị cáo không có tư lợi gì. Bị cáo cũng xin giảm tiền bồi thường 9 tỷ đồng vì gia đình bị cáo khó khăn, vợ đang chữa bệnh ung thư mong Tòa xem xét".
Tại tòa bị cáo Lê Ngọc Triện (SN 1964, quê Phú Yên), nguyên Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cũng như mức bồi thường 9 tỷ đồng. "Bị cáo chỉ biết đây là ụ nổi, không phải tàu biển nên không cần giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận an toàn hàng hải. Xin Tòa giảm nhẹ hình phạt cũng như mức bồi thường vì bị cáo có anh trai là thương binh, bị cáo có bệnh nặng tái phát đi lại khó khăn".