Bị cấm chơi với bạn, chém mẹ bạn... trả thù
Bị cáo Út trước vành móng ngựa |
Thằng bạn “tốt”
Khoảng 20 giờ ngày 22-4-2015, vợ chồng Út đang uống cà phê tại quán nước (thuộc khóm An Định B) thì Lê Văn Quốc Tuấn (hàng xóm) đến ngồi uống chung. Khoảng 15 phút sau, bà Huỳnh Thị Kiều (sinh năm 1959, mẹ của Tuấn) đến tìm và kêu Tuấn về. Trước khi đi, bà quay sang nói với Út: “Mai mốt mày đừng rủ con tao đi chơi nữa, để cho nó học hành”. Út trả lời: “Tự nó tới, rồi tôi kêu cà phê cho nó uống, chứ tôi đâu rủ nó”. Sau đó, mẹ con bà Kiều bỏ đi về. Đến khoảng 21 giờ, Út kêu vợ về trước, còn anh ta một mình đi đến trước nhà bà Kiều (cách nhà Út 40m). Thấy bà đang ở trong nhà, anh ta chửi thề, hăm dọa: “Ai rủ con bà đi chơi mà bà chửi? Tôi cưa bà thành ba khúc à!”, nói xong Út bỏ về nhà.
Chiều tối hôm sau, Út cùng Đỗ Văn Hận (sinh năm 1983, hàng xóm) tổ chức uống rượu tại nhà Út. Khi uống hết 2 lít rượu, Út kể cho Hận nghe vụ việc liên quan đến bà Kiều, rồi hăm dọa: “Bữa nay tôi qua cưa bả nè, bả chửi tôi hoài”. Nghe vậy, Hận khuyên ngăn: “Chuyện cũ bỏ qua đi, nhắc hoài”. Khuya, cuộc nhậu tàn, Út càng nhớ đến “nỗi oan” của mình. Anh ta tức giận vào buồng ngủ lấy máy cưa cầm tay (lưỡi dài 41 cm) đến nhà bà Kiều. Út đứng trước cửa, khởi động máy cưa: “Bà ngon ra đây, tôi đánh chết mẹ bà, bữa nay tôi cưa bà thành ba khúc”.
Nghe tiếng um sùm, cả nhà bà Kiều bước ra xem chuyện gì. Ông Lê Văn Năm (sinh năm 1963, chồng bà Kiều) cầm cây gài cửa (dài 1,58m) đứng trước thềm, hỏi: “Mày muốn gì hả Út?”. Không trả lời, Út đưa cưa máy lên, lao tới sát người bà Kiều, quơ qua lại: “Trúng ai ráng chịu”. Bà Kiều hoảng sợ đưa tay lên đỡ, khiến cưa trúng vào tay trái. Ông Năm dùng cây gài cửa ngăn cản, cùng Tuấn xông vào ôm đẩy Út nằm xuống đất, giật cây cưa đem bỏ chỗ khác. Quá đau đớn, bà Kiều la: “Trời ơi, đứt tay tôi rồi, máu quá trời…”, nên mọi người quay sang xem vết thương của bà. Lợi dụng sơ hở, Út vùng vẫy bỏ chạy. Đến ngày 31-7-2015, Út bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Tri Tôn bắt tạm giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau khi củng cố chứng cứ, ngày 20-11-2015, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Út về tội “Giết người”.
Mất sức lao động vì mang thương tật
Sau khi vụ án xảy ra, bà Kiều được mọi người đưa đi cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa Ba Chúc, rồi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tri Tôn, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang và Trung tâm Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh điều trị. Đến ngày 13-5-2015, bà xuất viện nhưng tỷ lệ thương tật phải mang là 69%, do đứt bó mạch thần kinh quay, đứt thần kinh giữa, đứt bó mạch thần kinh trụ, đứt gân gấp cổ tay trụ… Cánh tay của bà gần như không còn khả năng hoạt động, đồng nghĩa với việc bà mất luôn khả năng lao động. Tại phiên tòa, bà tâm sự: “Trước đây, tôi buôn bán trái cây ở chợ, lo cho con đi học và mọi việc trong gia đình. Ngoài ra, tôi còn phải chăm lo cho người mẹ già hơn 90 tuổi đang bệnh nữa. Từ khi bị thương đến giờ, bàn tay không thể nào co lại được, đêm ngủ bị nhức, tê buốt. Giờ tôi chỉ ở nhà thôi. Cả gia đình phải trông cậy vào tiền bán vé số của chồng. Con tôi đang học, thấy gia đình vậy, cứ đòi nghỉ hoài…”. Đã vậy, bà còn nặng gánh món nợ vay mượn nhiều nơi để điều trị vết thương, chưa có cách trả.
Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu trình bày lại sự việc, Út khai nhận: “Trước giờ bị cáo không có mâu thuẫn gì với gia đình bà Kiều. Chỉ vì bực tức việc bà nói oan cho bị cáo, bị cáo mới gây chuyện. Sau khi bà Kiều bị thương, bị cáo bỏ chạy lên núi, trốn vào một trại giữ rẫy. Qua ngày hôm sau, người đi rẫy phát hiện, báo Công an nên bị cáo không thoát. Cây cưa đó là của bị cáo, dùng để cưa cây mướn hàng ngày. Bị cáo biết, cây cưa có thể làm chết người. Nhưng lúc đó, bị cáo có rượu, nên không kiềm chế được, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt”.
HĐXX phân tích hành vi phạm tội của Út: “Bị cáo đừng đỗ lỗi cho rượu, vì đó không phải là tình tiết để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Việc làm của bị cáo cho thấy, bị cáo chưa say rượu, mà do bản chất côn đồ trong người dẫn dắt. Bà Kiều là người đáng tuổi mẹ bị cáo, cảm thấy bị cáo không đáng tin nên không muốn cho Tuấn giao du. Đó là trách nhiệm của một người mẹ muốn con mình sống tốt, đâu có gì sai trái mà bị cáo nổi giận? Qua câu chuyện này, rõ ràng bà Kiều đã nhận định đúng về tính tình của bị cáo, oan ức cho bị cáo chỗ nào? Bị cáo có nhìn thấy hoàn cảnh gia đình bị hại hiện nay bi đát thế nào chưa? Bản thân bị cáo cũng phải ở tù để trả giá cho tội ác của mình. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác một cách trái pháp luật. Do đó, cần phải xử lý nghiêm để bị cáo trở thành người có ích cho xã hội”. Cuối cùng, Tòa tuyên phạt Út 9 năm tù về tội “Giết người” nhưng chưa đạt; buộc bồi thường cho bị hại hơn 98 triệu đồng.
Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG/Báo An Giang