“bêu tên” người vi phạm giao thông là không cần thiết?
Nội dung dự thảo đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều ý kiến đồng tình khi cho rằng hiện nay thực trạng vi phạm luật giao thông vẫn còn phổ biến. Và việc chỉ áp dùng mỗi việc phạt tiền là chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Do vậy, việc đăng tên người vi phạm không chỉ là răn đe mà còn để tuyên truyền giáo dục cộng đồng và để người vi phạm không tái diễn. Hơn nữa, quy định này phù hợp tinh thần chỉ đạo trong các nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên ngược lại với những “kỳ vọng” trên cũng có nhiều ý kiến cho rằng quy định “bêu tên” người vi phạm giao thông lên báo chí là không cần thiết và thiếu tính khả thi.
Bộ Công an đang đề xuất nêu tên người vi phạm Luật giao thông đường bộ trên các phương tiện truyền thông để tăng tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Ảnh: TL
Thực tế cho thấy, mỗi ngày trong cả nước có “vô số” người vi phạm luật giao thông. Cả hàng trăm hàng nghìn người mỗi ngày, không thể tất cả đều nêu tên lên báo chí, truyền hình được – muốn nêu tên cũng phải thống kê, phân loại xem mức độ nào mới nêu tên. Trong khi đó việc này tốn rất nhiều thời gian, công sức của lực lượng chức năng, cần nhiều nhân lực mới có thể làm. Và quan trọng hơn lấy nhân lực, ngân sách ở đâu để làm việc này? Cơ quan báo chí nào sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm nêu tên người vi phạm giao thông. Thực tế mong muốn của người dân là tìm hiểu những thông tin hữu ích từ báo chí, chứ ít ai theo dõi những “bảng liệt kê” về tên tuổi, quê quán của các trường hợp vi phạm luật giao thông… để rút kinh nghiệm?
“Người có thời gian để nghe những “bản tin” này thậm chí lại không biết người vi phạm ở đâu, và ngay người vi phạm nhiều khi cũng sẽ không biết mình bị “bêu danh” lúc nào. Vì thế việc này cũng vẫn chưa nâng cao được ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Phương án trên không khả thi và sẽ tạo nên nhiều phiền phức trong cuộc sống” – anh Lê Đình Thành, trú tại tập thể Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ.
Có ý kiến lại cho rằng sẽ có nhiều người vi phạm giao thông không sợ xấu hổ hay ảnh hưởng đến danh dự khi bị nêu tên lên báo. Thực tế, những người có ý thức thì không cần phải “bêu danh” họ lên báo – họ vô tình vi phạm khi bị CA phạt đã đủ xấu hổ và đủ răn đe đối với họ... Nhưng những người ý thức kém thì việc “bêu danh” như thế nào đi nữa cũng… không hiệu quả. Văn hóa giao thông đều từ ý thức mỗi người dân, không phải từ một lần bị nêu tên, rồi thấy xấu hổ mà chờ đợi người dân thay đổi hành vi. Vì vậy, việc đăng tên người vi phạm luật giao thông lên báo chỉ tốn tiền và tốn công sức mà hiệu quả có thể nói là rất ít.
Theo phân tích của luật sư, Hoàng Văn Hướng, Đoàn luật sư Hà Nội, hiện nay, giao thông ở các khu vực đô thị đặc biệt là TP HCM và Hà Nội, đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Đặt ra đòi hỏi phải giải quyết tốt các điểm ùn tắc, cũng như mọi người tham gia giao thông được đảm bảo an toàn.
Việc giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, hạn chế vi phạm luật giao thông, trước hết phải xem xét trách nhiệm quản lý Nhà nước. Thứ nhất, phải quy hoạch đô thị, đường sá, các khu dân cư, trường học, BV… sao cho hợp lý, để tránh ùn tắc giao thông.
Thứ hai, để cho mọi người dân chấp hành luật giao thông, trách nhiệm của Nhà nước là phân luồng hợp lý, các biển báo phải rõ ràng để người dân dễ nhìn thấy và chấp hành nghiêm túc.
Thứ ba, phải tuyên truyền phổ biến pháp luật, việc cấp bằng lái xe phải được thực hiện nghiêm túc. Không thể chấp nhận được chuyện người ta cầm tấm bằng lái xe mà không hiểu gì về luật giao thông. Nghiêm túc xử lý những trường hợp cá nhân trong lực lượng chức năng hách dịch vòi vĩnh, “mãi lộ” người vi phạm. Có như vậy thì việc chấp hành luật giao thông mới nghiêm túc được.