Bếp cơm trưa miễn phí ấm lòng người nghèo
Các mẹ, các chị chuẩn bị cơm miễn phí cho người nghèo |
Hơn 1 năm qua bếp ăn này dường như là “cứu cánh” cho hàng trăm hoàn cảnh khó khăn ở khu vực này.
Khu phố 5 được xem như là khu vực có nhiều hoàn cảnh khó khăn nhất của phường Bình Trưng Đông. Người dân ở đây chủ yếu là lao động nghèo, kiếm sống bằng việc trồng rau, trồng hoa kiểng bán, một số người sống bằng nghề thợ hồ cực kỳ vất vả.
Thấy được sự khó khăn, cực nhọc của những người lao động nghèo, chị Trần Thị Thanh Thủy - phó Ban điều hành khu phố 5 luôn trăn trở nghĩ xem liệu mình có thể làm gì đó giúp đỡ họ một phần không? Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định thành lập một bếp ăn tình thương giúp dân nghèo.
“Là một cán bộ trong ban điều hành khu phố, ngày ngày tiếp xúc, sâu sát trong quần chúng nhân dân, tôi thấy cuộc sống của nhiều gia đình, nhiều mảnh đời còn gặp vô vàn khó khăn. Nhiều gia đình một bữa cơm cũng rất tạm bợ, nhiều người già neo đơn ăn uống qua loa nên sinh bệnh tật, trẻ em còi cọc đen nhẻm vì thiếu dinh dưỡng. Không đành lòng, tôi bỏ tiền túi ra đi chợ mua từng miếng thịt, con cá, cọng rau về nấu vài suất cơm đem tặng người nghèo.”- chị Thủy nhớ lại.
Mỗi bữa trưa bếp ăn tình thương ở khu phố 5 nấu khoảng 400 suất cơm. 300 suất được phát miễn phí cho người nghèo, người già neo đơn, trẻ em thiệt thòi. 100 suất còn lại được bán tại chỗ với mỗi phần cơm chỉ 2000 đồng |
Lòng tốt dường như được lan tỏa, nhiều chị em trong ban điều hành và một số chị ở địa phương thấy được tấm lòng thơm thảo của chị liền xắn tay áo góp cả công sức lẫn kinh phí để chị có thể mở rộng bếp ăn. Ban đầu bếp ăn chỉ mỗi tuần phát cơm một lần với vài chục suất cơm và cháo dinh dưỡng cho trẻ em. Nhưng một năm trở lại đây bếp ăn tình thương đã tăng tần suất phát cơm miễn phí cho người nghèo thành mỗi tuần 3 buổi trưa vào ngày thứ 3,5,7 hằng tuần.
Chị Nguyễn Thị Bông (67 tuổi) thành viên bếp ăn cho hay: “Lúc mới đi vào hoạt động bếp ăn của mấy chị em gặp nhiều khó khăn lắm. Khó khăn nhất đó là việc tìm kiếm các mạnh thường quân tài trợ duy trì bếp ăn. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc lắm nhưng chị em vẫn cứ động viên nhau tiếp tục duy trì hoạt động đến bây giờ.”
Đến nay bếp ăn tình thương đã có hàng chục nhà hảo tâm đóng góp kinh phí thường xuyên, nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp từ 3-4 tấn gạo hằng tháng. Ngoài ra bếp ăn cũng nhận được hơn 40 thùng dầu của nhà tài trợ. Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cũng đóng góp 200 khay cơm, 10 bộ bàn ghế cho bếp ăn.
Mỗi bữa trưa bếp ăn tình thương ở khu phố 5 nấu khoảng 400 suất cơm. 300 suất được phát miễn phí cho người nghèo, người già neo đơn, trẻ em thiệt thòi. 100 suất còn lại được bán tại chỗ với mỗi phần cơm chỉ 2000 đồng. Mỗi suất cơm mà các mẹ, các chị dày công xào nấu luôn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng với cá, thịt, các món xào và có cả canh nấu thịt bằm.
Bà Bùi Thị Luân (64 tuổi, quê Quảng Ngãi) làm nghề bán vé số dạo tâm sự: “Tình cờ trong một lần bán vé số đi qua quán cơm này tôi mừng như vớ được phao cứu sinh. Chỉ có 2000 đồng mà có một bữa no, thức ăn lại ngon nên tháng nào tôi cũng có dư ra chút đỉnh gửi về quê nuôi người chồng đã già yếu và thường xuyên bị bệnh”.
Bên cạnh việc duy trì bếp ăn nhân đạo, các chị em trong ban điều hành còn tiến hành nhiều hoạt động khác như giúp đỡ trẻ em khó khăn, lập phòng đọc miễn phí....
Em Lê Quang Tâm (14 tuổi) mồ côi cả bố lẫn mẹ nhiều năm nay, trong người em lại mắc bệnh HIV di truyền từ bố mẹ nhưng em lại có nghị lực tuyệt vời với nhiều năm liền là học sinh giỏi.
Ngoài những suất cơm miễn phí nghĩa tình, các em nhỏ còn được tiếp cận phòng đọc sách miễn phí |
Cách đây 4 tháng, bác sỹ Ngọc Phượng công tác tại bệnh viện Từ Dũ đã quyên góp được gần 600 đầu sách mở một phòng đọc sách miễn phí cho trẻ em nghèo.
Chị Trần Thị Thanh Thủy cho biết đến nay ngoài sự giúp đỡ của bác sỹ Phượng chúng tôi đã vận động được nhiều nhà hảo tâm đóng góp nhiều đầu sách. Hiện nay đã có đến 2 phòng đọc gồm 1 phòng đọc cho thiếu nhi với hơn 1600 đầu sách, phòng đọc cho các chị em phụ nữ cũng có hơn 500 đầu sách các loại.
“Nhờ phòng đọc sách này mà em mở mang thêm được nhiều kiến thức, chiều nào em cũng ghé đến phòng đọc để đọc sách đến khi trời sẩm tối mới về nhà”- em Nguyễn Ngọc Trúc Nhi, học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết.
Ngoài bếp ăn, phòng đọc miễn phí, các chị em trong ban điều hành bếp ăn đã nuôi lợn đất tiết kiệm tiền mua sách vở, áo quần cho những em học sinh nghèo vượt khó.
Những sự chia sẻ với xã hội của các chị, các mẹ trong bếp ăn nghĩa tình thực sự lan tỏa đến những người dân của khu dân cư còn nhiều khó khăn này.