Bệnh viện Nhi đồng 1 huy động toàn lực “chiến đấu” với tay chân miệng
Trẻ mắc tay chân miệng tăng nhanh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 |
Từ năm 2011 đến nay, sau 7 năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 mới lại “căng mình" chống dịch tay chân miệng như vậy.
Trao đổi với phóng viên sáng 2/10, bác sĩ Dư Tuấn Quy, khoa Nhiễm, cho biết: “Chỉ trong một tiếng đồng hồ đã có 7 ca tay chân miệng nhập viện. Hiện tại khoa Nhiễm đang có 180 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 28 ca nặng nằm cấp cứu, 2 ca tay chân miệng độ 4, 17 ca độ 3 và khoảng 15 ca độ 2B”.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phải bổ sung thêm 3 phòng tầng 1 vốn dùng làm căng tin để nhận những trẻ tay chân miệng thể nhẹ đồng thời huy động toàn bộ lực lượng bác sĩ, y tá, điều dưỡng của khoa.
Bác sĩ Quy cho biết: “Trong khoa có 2 bác sĩ đang đi học chuyên khoa 2, chuyên khoa 1 cũng phải vận động về làm việc. Ngoài ra, bệnh viện huy động các bác sĩ đang học cao học, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, bác sĩ nội trú tại khoa Nhiễm cùng tham gia chống dịch”.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, mới đầu mùa dịch mà số ca mắc đã tăng nhanh gần bằng năm 2011, trong đó tất cả các ca nặng, biến chứng đều nhiễm vi rút Ev71. Năm nay cảnh báo sự xuất hiện trở lại của vi rút Ev71 chủng C4, chủng đã gây nên dịch năm 2011 khiến hơn 70.000 trường hợp mắc và 145 trường hợp tử vong.
BS Khanh lưu ý, những em bé sinh từ 2014 đến nay không có sự miễn dịch với chủng C4 do những năm trước chủng này không xuất hiện nên khả năng mắc rất cao, kéo theo đó là sự lây lan bệnh nhanh và tiến triển nặng.
Tuy nhiên, theo BS Khanh, hiện nay Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị chính xác và cụ thể nên tỉ lệ tử vong do bệnh tay chân miệng đã giảm rất nhiều.
Trước đây, trẻ mắc tay chân miệng độ 4 có nguy cơ tử vong 60%. Hiện nay nguy cơ này chỉ xảy ra ở những trẻ độ 4 diễn tiến quá nhanh trong thời gian ngắn hoặc mắc kèm những bệnh lý khác. Vấn đề hiện nay là phải phát hiện sớm dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng, đặc biệt trẻ dưới 3-5 tuổi dù có đi học hay ở nhà.
Những dấu hiệu điển hình như trẻ sốt cao, nôn ói, không sốt nhưng chảy nước dãi, bỏ ăn; trẻ giật mình chới với 2 lần trong 30 phút khi ngủ; yếu tay chân, đi đứng loạng choạng, thở nhanh, mạch yếu, khó thở… phải nghĩ đến bệnh tay chân miệng.
Chu kỳ của tay chân miệng từ tháng 9 đến tháng 12, tại những nơi hay xảy ra bệnh thì có thể có 2 đỉnh dịch: Tháng 4, 5 và tháng 9, 10. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn yêu cầu các địa phương tích cực, chủ động phòng chống, không để dịch bệnh bùng phát.