Bệnh viện kêu khó tính chi phí khi xã hội hóa
Bệnh viện cho rằng tính chi phí còn khó khi chưa đưa ra các tiêu chí tính đúng, tính đủ |
Xã hội hóa y tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong một số văn kiện của Đảng, Quốc hội và quy định chi tiết cụ thể tại một số Nghị định của Chính phủ. Thực hiện chủ trương này, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác y tế, tạo điều kiện huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho công tác phòng bệnh và chữa bệnh, đồng thời mỗi người dân nâng cao nhận thức, thực hiện biện pháp tự giữ gìn, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe.
Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, thời gian qua (từ năm 2006 đến năm 2014), Nhà nước đã dành hơn 22.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho nâng cấp, sửa chữa hơn 600 bệnh viện tuyến huyện, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương. Cơ sở vật chất cho y tế, nhất là tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện nay đã được đầu tư khang trang, trang thiết bị y tế hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Xã hội hóa đã đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, điều trị; phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện làm cho trình độ kỹ thuật y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực.
Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thực hiện hai hình thức liên doanh, liên kết với 7 đề án xã hội hóa, tổng giá trị liên doanh, liên kết gần 17 tỷ đồng. Việc triển khai các mô hình, đề án xã hội hóa tại Bệnh viện vào những năm 2004 – 2008 có ý nghĩa quyết định đến việc phát triển nhiều kỹ thuật, như chụp cộng hưởng từ, chụp điện quang số hóa, siêu âm màu tim…
Tuy nhiên khi đi vào thực hiện, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng hiện nay việc xác định đúng giá trị tài sản cố định (trực tiếp và gián tiếp) tham gia hoạt động dịch vụ xã hội hóa theo Thông tư số 15/2007/TT - BYT, giá trị thương hiệu của Bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các đề án xã hội hóa hoạt động trong môi trường công tư kết hợp, vừa phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế với mức giá do bảo hiểm y tế thanh toán, vừa phục vụ bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế với mức giá cao hơn do Giám đốc Bệnh viện quyết định.
Phần lớn giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang áp dụng theo Nghị quyết 13/2013/NQ – HĐND với nội dung giá gồm 3 nhóm chi phí, chưa có các chi phí về khấu hao tài sản cố định, chi phí nhân công… nên hạn chế huy động các nguồn lực vào bệnh viện.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng ra nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị xây dựng đề án xã hội hóa y tế phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Đối với trang thiết bị sử dụng công nghệ, kỹ thuật cao, đơn vị phải thành lập Hội đồng khoa học kỹ thuật cấp cơ sở, có chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn liên quan để thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật của thiết bị hoặc xin ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn kỹ thuật trang thiết bị của Bộ Y tế.
Ngoài ra, nếu sử dụng nhà, đất thuộc tài sản của Nhà nước để liên doanh, liên kết phải được sự chấp nhận của cơ quan có thẩm quyền và xác định giá trị của tài sản, trích khấu hao theo quy định.