Bệnh viêm mũi dị ứng
Biểu hiện của bệnh
VMDƯ chỉ là biểu hiện tại chỗ của một bệnh toàn thân. VMDƯ có hai thể: chu kỳ và không có chu kỳ.
Thể bệnh có chu kỳ: thường xảy ra đột ngột về đầu mùa lạnh hay đầu mùa nóng, bệnh nhân thấy nhột cay trong mũi, hắt hơi liên tục vài chục cái, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Sau đó mũi chảy nước đầm đìa, nước mũi trong như nước lã. Người bệnh còn có cảm giác rát bỏng ở kết mạc, vòm họng.
Bệnh nhân bị nặng đầu, mệt mỏi uể oải, sợ ánh sáng, nên thường tìm chỗ tối để nằm. Cơn dị ứng xuất hiện nhiều lần trong ngày, tối dịu đi, bệnh kéo dài trong vài ngày đến một tuần rồi tự biến mất. Hàng năm vào đúng thời kỳ đó bệnh lại tái diễn, có những bệnh nhân bị bệnh hàng chục năm.
Ở một số bệnh nhân cao tuổi, do bệnh kéo dài nhiều năm, tổn thương làm cho niêm mạc mũi thoái hóa, phù nề gây ngạt mũi; các xương xoăn mũi to phình lên, xen với những polip.
Thể bệnh không có chu kỳ: hay gặp nhất, bệnh nhân thường bị sổ mũi vào lúc sáng sớm thức dậy, giảm đi trong ngày, tái phát khi gặp luồng gió, gặp lạnh, tiếp xúc với bụi. Thời kỳ đầu nước mũi trong, thời gian sau đó đặc lại thành mủ, nước mũi chảy thành từng đợt, có khi viêm loét vùng tiền đình mũi; hắt hơi hàng tràng, trường hợp nặng hắt hơi liên tục nhiều giờ trong ngày, gây mệt mỏi, giảm trí nhớ; ngạt mũi thay đổi tùy theo thời gian, thời tiết và theo mùa;
Do nghẹt mũi bệnh nhân phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản; các triệu chứng ngứa trong mũi, đau thắt ở gốc mũi, do tiết dịch ứ đọng trong vòm họng nên bệnh nhân luôn phải khạc nhổ; niêm mạc mũi phù nề, nhợt nhạt, phủ dịch nhầy loãng, hoặc mủ đặc, màu trắng hoặc vàng, xanh khi có bội nhiễm vi khuẩn; niêm mạc mũi bị thoái hóa biến thành polip to nhẵn.
Điều trị viêm mũi dị ứng
Mục đích điều trị là làm thuyên giảm triệu chứng và cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây ra dị ứng. Có 3 phương pháp căn bản để điều trị VMDƯ :
Tránh các chất gây dị ứng
Tránh phấn hoa và nấm mốc, bụi, bọ ve, cứt gián, lông chó, mèo, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm, chất tẩy rửa...
Sử dụng thuốc
Thuốc kháng histamine: đây là những thuốc ức chế việc giải phóng hoặc tổng hợp các chất hóa học trung gian gây phản ứng dị ứng. Thuốc thông mũi: dạng nhỏ, xịt. Thuốc corticorid: dùng cho đợt cấp và khi mắc bệnh nghiêm trọng. Sử dụng các bài thuốc, vị thuốc đông y như “thương nhĩ tử tán “, “tân di tị uyên”....
Tại mũi: giải quyết nề niêm mạc, sung huyết, xuất tiết, nhiễm khuẩn ở mũi, xoang, chọc rửa xoang, phẫu thuật cắt xén các xương xoăn. Điều trị đặc hiệu: giải mẫn cảm. Khi có bội nhiễm thì dùng kháng sinh kết hợp với corticoid. Có thể sử dụng phương pháp điều trị bằng nước khoáng đối với các trường hợp ngạt mũi thường xuyên do niêm mạc phù nề cương tụ, dùng loại nước khoáng hỗn hợp bicarbonat dạng uống. Dùng khí dung có tác dụng tốt, hợp sinh lý.
Liệu pháp miễn dịch
Nếu đã dùng hai biện pháp trên thất bại thì người ta mới xem xét đến phương pháp thứ ba là thay đổi miễn dịch (miễn dịch liệu pháp - immunotherapy). Đây là phương pháp cho bệnh nhân hấp thụ với liều tăng dần dị nguyên nhằm đạt được giảm mẫn cảm, tức là giảm các triệu chứng khi phơi nhiễm tự nhiên trở lại với chính dị nguyên đó. Liệu pháp miễn dịch là phương pháp duy nhất điều trị tận gốc căn nguyên gây dị ứng.
Tuy nhiên, dù VMDƯ thường được điều trị nội khoa, nhưng trong một số trường hợp các bác sĩ vẫn chỉ định phẫu thuật để điều trị. Đó là khi cần giải quyết bệnh tích ở những bệnh nhân VMDƯ tiến triển tạo nhiều polyp, hoặc niêm mạc cuốn mũi thoái hóa quá mức gây nghẹt mũi nhiều không thể phục hồi dù đã uống thuốc tích cực.
Đối với người cao tuổi, nên tránh dùng các thuốc kháng histamin, như promethazine, chlorpheniramine vì tác dụng kém chọn lọc nên có thể gây buồn ngủ, lo lắng, lú lẫn, bí tiểu, táo bón, tụt huyết áp… Những trường hợp chỉ có bệnh viêm mũi đơn thuần không đi kèm với viêm kết mạc, nên dùng các thuốc kháng histamin xịt mũi như azelastine vì có tác dụng nhanh và ít tác dụng phụ.
Biện pháp phòng bệnh
Muốn phòng bệnh VMDƯ ở người cao tuổi có hiệu quả, tốt nhất là tránh các tác nhân gây bệnh, tránh hít phải khói, bụi, phấn hoa, cánh bướm, lông thú, sơn ta, xăng dầu, hơi hóa chất…
Về ăn uống, cần tránh các thức ăn có thể gây dị ứng như: nhộng tằm, cá ngừ, tôm, cua ghẹ... Đối với người cao tuổi cũng không nên chủ quan phơi trần ra gió mưa rét ướt. Đồng thời cũng không nên sống theo kiểu kiêng khem quá làm cho cơ thể yếu đuối, kém sức chịu đựng với mọi thay đổi của thời tiết. Bệnh nhân cần rèn luyện thân thể bằng việc tập thể dục thể thao vừa sức thường xuyên cũng là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả tốt.
Nguồn SKĐS