Bệnh tay-chân-miệng gia tăng có "lỗi" của truyền thông
Bệnh tay-chân-miệng gia tăng có "lỗi" của truyền thông
Lãnh đạo ngành y tế thừa nhận dịch bệnh lây lan do công tác truyền thông phòng chống bệnh chưa tốt. Đội ngũ cộng tác viên truyền thông chưa nhiều, vì thiếu kinh phí. Việc tuyên truyền chỉ dừng lại ở các thông tin diễn biến bệnh nhân tay chân miệng tại bệnh viện, chưa tuyên truyền đúng phòng chống bệnh bằng việc rửa tay bằng xà phòng…
Qua điều tra của Viện Pasteur TP HCM thì trong số 100 trẻ mắc tay chân miệng của 5 tỉnh thành phía nam, cho thấy gần 80% trẻ mắc bệnh không đi học, bệnh nhi đi học tại trường công lập là 19,66%, ở nhà trẻ tư nhân là hơn 2%, học phổ thông cơ sở là 0,85%.
Các trường hợp tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu ở miền Nam với tỉ lệ 89,1%. Điều đáng mừng là tỉ lệ ca mắc ở miền Nam đang giảm dần. Trong khi đó các tỉnh phía bắc, gồm Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Bình, Yên Bái, Hải Dương lại đang gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra không hài lòng với cách tuyên truyền phòng chống dịch bệnh hiện nay, từ việc tuyên truyền xuống tận nhà dân còn yếu kém đến việc truyền thông còn mang tính hình thức trên các hệ thống thông tin đại chúng. Theo Bộ trưởng, các phóng viên mới chỉ dừng lại ở việc đưa tin khám và chữa trị các ca mắc tay chân miệng tại bệnh viện mà chưa tuyên truyền sâu rộng việc phòng chống bệnh như thế nào.
Rửa tay xà phòng là biện pháp tốt nhất phòng chống bệnh TCM. Ảnh internet. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên: Vì sao đến nay Bộ Y tế chưa công bố dịch? Bộ trưởng Tiến khẳng định, chưa đến lúc công bố dịch tay chân miệng vì phải tuân thủ theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, khi có trên 2 tỉnh công bố dịch (địa phương công bố dịch khi và chỉ khi không có khả năng phòng chống. Khi đã công bố dịch thì tất cả các ban ngành đều phải tham gia phòng chống, trẻ em đi đâu cũng phải lấy mẫu máu và phân, chứ không đơn giản chỉ đo nhiệt độ như dịch cúm A/H1N1 vừa qua. Tuy nhiên, cũng không lơ là trước tính mạng của trẻ em, nhất là trẻ em nhỏ.
Hiện, phác đồ điều trị được tổ chức Y tế Thế giới công nhận và được triển khai tập huấn cho các tỉnh thành trên cả nước, lọc máu, điều trị thuốc đắt tiền được BHYT thanh toán; không thiếu thuốc, trang thiết bị. Do đó, nhiệm vụ ưu tiên hiện nay không phải là công bố dịch hay không mà chính là việc kiểm soát dịch tại các địa phương, tuyên truyền thật sâu, sát tới các bà mẹ và những người chăm sóc trẻ về việc phòng bệnh.
“Thông điệp chúng tôi chuyển đến người dân rất đơn giản, là đề nghị người dân rửa tay trước và sau ăn, sau khi đi vệ sinh vì đây là bệnh lây qua đường phân - miệng. Mọi người phải biết rằng mỗi quả đấm cửa, mỗi tay vịn cầu thang đầy vi rút, vi khuẩn. Vì thế, một điều đơn giản nhất, chỉ mong các bà mẹ hãy đảm bảo vệ sinh cho con mình bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng… và các dụng cụ đồ chơi, khăn tã lót, quần áo của trẻ đều phải giặt bằng xà bông, nền nhà được tiệt trùng sạch sẽ. Không có nguồn lây, trẻ sẽ không bị tay chân miệng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến khẳng định.
Nguyễn Hạnh