Bệnh tay-chân-miệng: Đủ 2 tỉnh mới công bố dịch toàn quốc
Bệnh tay-chân-miệng: Đủ 2 tỉnh mới công bố dịch toàn quốc
Hiện mới chỉ có tỉnh Ninh Thuận công bố dịch bệnh tay - chân - miệng (TCM).
Ông Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận cho hay từ đầu năm đến nay, tỉnh đã phát hiện gần 550 trường hợp mắc TCM, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.
Số ca mắc vẫn tập trung ở các tỉnh phía Nam. Ảnh minh họa |
So với cùng kỳ năm 2010, số người mắc bệnh này trong tỉnh đã tăng hơn 23 lần.
Theo ông Định, dù ngành y tế tỉnh đã dốc sức tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền và phòng dịch cho người dân nhưng sự phát triển nhanh của dịch bệnh đã vượt quá dự báo ban đầu và khả năng kiểm soát của ngành y tế địa phương.
“Hiện nay trong cộng đồng còn thái độ thờ ơ với dịch, nếu không công bố dịch thì số ca mắc sẽ còn tiếp tục gia tăng nhanh và gây ra những hậu quả khôn lường khiến ngành y tế của tỉnh không thể một mình “gánh vác” được”.
Ngay sau khi Ninh Thuận công bố dịch trên địa bàn tỉnh, ngày 8/11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh này khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết Bộ Y tế sẽ công bố dịch theo đúng quy định, nghĩa là khi có từ 2 địa phương trở lên công bố dịch.
Hiện tỉ lệ mắc bệnh TCM tại nước ta chưa đến 1/1.000 dân, trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ này tại Singapore là 5/1.000 dân (17.000 ca), Nhật Bản: 3/1.000 dân (317.000 ca mắc), Trung Quốc gần 1/1.000 dân (1,2 triệu ca mắc).
Phân tích dịch tễ các trường hợp mắc TCM cho thấy đa số các trẻ đều lứa tuổi nhỏ không đi học, được chăm sóc tại nhà bởi những người thân trong gia đình.
Các trường hợp tử vong xảy ra chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi chiếm 82%. TS Bình nhận định, dịch bệnh TCM ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, gia tăng số mắc, tử vong do đây là một bệnh lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, có nhiều týp virut gây bệnh, đối tượng cảm nhiễm lớn, tỉ lệ người lành mang trùng cao, không có vaccin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, tỉ lệ virut EV 71 lưu hành cao trong cộng đồng (khoảng 40-70%).
Trong khi đó, tỉ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp.
Theo báo cáo giám sát của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur trong 10 tháng đầu năm 2011, cả nước đã ghi nhận 84.812 trường hợp mắc bệnh TCM tại 63 địa phương trong đó đã có 142 trường hợp tử vong tại 28 tỉnh, thành phố. Số ca mắc và tử vong vẫn tập trung ở các tỉnh phía Nam, chiếm 67% tổng số ca mắc, 88% số ca tử vong. Diễn biến những ngày gần đây cho thấy số mắc bệnh mới vẫn ở mức cao và tiếp tục có thêm các ca tử vong.
Thúy Hiền