Bệnh nhi 14 tháng mắc Covid-19: Cảnh báo từ nụ hôn
Bệnh nhi 14 tháng tuổi ở Quận 6, TP.HCM là bệnh nhân số 1348 mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc với nam bệnh nhân 1347, người nhà bệnh nhi kể cháu bé được BN 1357 ôm hôn liên tục.
Theo các bác sĩ khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, nơi bệnh nhi 14 tháng tuổi mắc Covid-19 là BN số 1348 đang điều trị, bố mẹ bệnh nhi kể với các bác sĩ vào sáng ngày 22/11 bố bé đưa bé đi thăm thầy cô cũ tại đường số 3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM. Tại đây bé đã được thầy giáo tiếng Anh là BN 1347 bế lên ôm hôn nựng má liên tục... Cả gia đình không ngờ, chỉ hơn 1 tuần sau, bé đã thành bệnh nhân tiếp theo của đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa |
Sau khi nghe cha mẹ cháu bé chia sẻ, các bác sĩ khoa nhiễm thật bất ngờ trước những chuyện không ai muốn. Tuy nhiên, BS Nguyễn Cát Phương Vũ - Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cảnh báo cha mẹ, người lớn những động tác ôm hôn không cần thiết ở trẻ nhỏ có thể là nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bệnh tiêu hoá tới cả bệnh Covid-19.
Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, trẻ chưa được tiêm đủ các mũi vaccine giúp phòng tránh bệnh tật cho đến khi đủ 1 tuổi. Vì vậy, trẻ nhỏ rất dễ bị lây nhiễm mầm bệnh từ môi trường xung quanh, từ người chăm sóc hoặc từ trẻ nhỏ khác.
Miệng của người lớn dù có vệ sinh sạch sẽ nhưng vẫn luôn ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn, trực khuẩn gây bệnh. Vì thế, khi hôn trẻ nhất là trẻ dưới 1 tuổi thì nguy cơ càng lớn.
Các loại virus, vi khuẩn có thể bị lây nhiễm khi người mang mầm bệnh hôn trẻ như Virus RSV: gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi, Virus Coxsackie A16: gây bệnh tay chân miệng, virus HSV 1: gây viêm loét miệng, viêm nướu, viêm não.
Virus gây bệnh ho gà: gây bệnh ho gà, viêm phổi, vi khuẩn Helicobacter pylori: gây viêm loét dạ dày, virus gây não mô cầu: gây viêm màng não, viêm não, virus CMV: gây viêm gan, viêm não. Hầu hết các virus, vi khuẩn gây bệnh lý của đường hô hấp và tiêu hóa đều có thể lây từ nụ hôn.
Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ dị ứng khi tiếp xúc với son môi, nước hoa, bụi, cặn thức ăn... Nguy cơ suy yếu hệ miễn dịch, bệnh do khói thuốc lá, bệnh sâu răng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM hiện nay, theo các thống kê cũng như nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ trẻ nhiễm virus Covid-19 ở mức thấp. Đây cũng là một điều đáng mừng với trẻ nhỏ.
Bác sĩ Khanh cho biết trẻ không tự ý thức được như phải rửa tay, che miệng hay chạm vào người khác hoặc những hành động có thể làm lan truyền virus.
Đặc biệt, người lớn cũng cần có ý thức tự phòng tránh cho trẻ, tốt nhất không nên hôn trẻ, khi có các biểu hiện cảm cúm nên tránh xa trẻ, đeo khẩu trang tiếp xúc với trẻ.
Chúng ta không nên chủ quan, thoải mái để trẻ ra ngoài mà không có các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa. Cần phải dự phòng, tất cả mọi người đều phải được phòng ngừa và thực hiện biện pháp phòng ngừa như nhau.
Người lớn khi đi ra ngoài hay đi làm về cần vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ. Tốt nhất nên rửa tay xà phòng, tắm rửa. Bác sĩ Khanh cho rằng bất cứ khi nào người lớn cũng coi chúng ta đều có nguy cơ mang virus về nhà cho trẻ không chỉ virus Sars-CoV-2 mà tất cả các virus gây bệnh khác.
Vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ, luôn rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn nhanh trước khi bế con. Tắm bé đều đặn với phương pháp phù hợp. Xếp riêng đồ vệ sinh mặt mũi miệng của con, không chung đồ người lớn.
Không cho trẻ tiếp xúc với người đang có biểu hiện ho, hắt hơi, chảy mũi, tiêu chảy và các bệnh lý cấp tính. Người lớn đã ốm thì không chơi với trẻ con.
Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu cũng là một trong những biện pháp rất có giá trị trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh. Tiêm vắc xin phòng bệnh cũng là một cách kích hoạt chủ động hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Khánh Chi
BN1347 uống cà phê và hát Karaoke ở đâu?
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, BN1347 - giáo viên tiếng Anh đã gặp nhiều người tại nơi dạy học, quán cà phê, quán karaoke... trước khi được ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2.