Bệnh nhân nôn cả lít máu tươi vẫn phải trói chặt để cấp cứu
Bệnh nhân vừa xơ gan, chảy máu thực quản, sảng rượu. Những hình ảnh này hiện hữu hàng ngày ở khoa tiêu hóa, BV Bạch Mai. |
Cột chặt vì mê sảng
Bệnh nhân Đinh Văn L. quê Hoài Đức, Hà Nội điều trị tại phòng cấp cứu vì chảy máu tiêu hóa. Các nhân viên y tế cùng con trai ông L. phải dùng dây trói chặt chân, tay và cố định đầu ông lại.
Nhìn cha với ánh mắt ái ngại và đượm buồn, con trai ông L chỉ nói: “Bố em đấy, bố em bị chảy máu tiêu hóa đang cấp cứu cầm máu và giờ lại rơi vào tình trạng sảng rượu nên đập phá lung tung, bác sĩ phải cố định lại”. Nói rồi người con trai ông L. quay mặt đi chỗ khác vì nhìn cha mình thật đáng thương.
Dù không muốn cột chặt bệnh nhân nhưng các nhân viên y tế đều phải làm như thế để tránh những cơn rối loạn hưng cảm của bệnh nhân dù họ đã bị chảy máu dạ dày. |
Bác sĩ Khanh cho biết, thường những bệnh nhân bị xơ gan sẽ dẫn đến chảy máu tiêu hóa rất nhiều. Bình thường, dòng chảy máu bị chậm bởi mô sẹo trong gan gây ra. Khi máu đến gan bị chậm lại, nó bắt đầu chảy ngược trở lại, gây tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch mang máu đến gan.
Áp lực đẩy lượng máu vào tĩnh mạch nhỏ ở gần đó, chẳng hạn như trong thực quản. Những tĩnh mạch dễ vỡ, mỏng bắt đầu thêm máu. Đôi khi các tĩnh mạch có thể bị vỡ và chảy máu, những bệnh nhân này khi cấp cứu đều trên nền điều trị hai bệnh đó là chảy máu tiêu hóa và sảng rượu.
Khó cai dứt điểm
Bác sĩ Khanh cho biết, những bệnh nhân tiêu hóa kèm theo sảng rượu là do thời gian họ uống rượu, bia quá lâu và khi bị chảy máu tiêu hóa, vào viện cấp cứu 3 – 4 ngày không có rượu uống, họ rơi vào tình trạng phải ngừng uống rượu đột ngột nên dẫn đến tình trạng sảng rượu, hay còn gọi là hội chứng cai.
Các rối loạn cơ thể và rối loạn thần kinh trong hội chứng sảng rượu khiến bệnh nhân bị các rối loạn thần kinh thực vật, sung huyết ngoài da, tăng tiết mồ hôi, tim đập nhanh, huyết áp động mạch dao động (có khuynh hướng giảm), run, giảm trương lực cơ, tăng phản xạ ảo giác, kích động.
Thực tế, bệnh nhân co giật rồi đập phá, la hét. Nếu lần đầu tiên xuất hiện mê sảng có thể gặp cơn dạng động kinh toàn thể hoặc cục bộ. Vì thế bệnh nhân được bác sĩ cột cứng lại và tiêm thuốc an thần.