Bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO
Một bệnh nhân đang được điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại bệnh viện Chợ Rẫy |
Kỹ thuật cao nhất trong hồi sức cấp cứu
Thạc sĩ - Bác sĩ Trương Dương Tiển, Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, kỹ thuật ECMO được Hội đồng khoa học của Bệnh viện Chợ Rẫy thông qua năm vào 2011 và chính thức đưa vào áp dụng điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu. Đây là kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, dùng để điều trị các hội chứng nguy ngập hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp.
Với kỹ thuật ECMO, máu được lấy ra từ cơ thể bệnh nhân sẽ được chạy qua hệ thống màng lọc cho tiếp xúc với oxy rồi trả lại máu về cơ thể bệnh nhân. Kỹ thuật này được sử dụng trong những trường hợp bênh nhân bị suy hô hấp, viêm cơ tim cấp không cải thiện được oxy máu bằng các phương pháp điều trị truyền thống. Trước đây, với những trường hợp như vậy, bệnh nhân được thông khí tối ưu qua máy thở, nhưng nếu lượng oxy trong máu bệnh nhân vẫn không đạt được thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Do đó, ECMO được xem là kỹ thuật cấp cứu cao nhất để cứu những bệnh nhân suy hô hấp, suy tim cấp khỏi nguy cơ tử vong. Hiện nay, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân suy hô hấp bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy là 75% và viêm cơ tim cấp là 67%.
BS Trương Dương Tiển giới thiệu về kỹ thuật ECMO |
Những ca cấp cứu “ngoạn mục”
ECMO được xem là một trong những kỹ thuật cao và phức tạp trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Hiện tại, trong cả nước chỉ có vài bệnh viện thực hiện được kỹ thuật này. Từ năm 2011 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng kỹ thuật ECMO và cứu sống trên 20 trường hợp bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch như ngưng tim, ngưng thở…
Mới đây nhất, vào tháng 3/2015, một thai phụ bị suy hô hấp do viêm phổi nặng đã được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO. Chị V.N.H (SN 1992, ngụ tại An Giang) nhập viện tại Khoa Nội hô hấp trong tình trạng suy hô hấp, khó thở do viêm phối trong khi đang mang thai 36 tuần tuổi. Một ngày sau, các bác sĩ phải mổ lấy con cho chị H.
Sau khi mổ lấy thai, chị H được chuyển đến Khoa Hồi sức Cấp cứu ngay sau đó do không đáp ứng điều trị bằng máy thở. Các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp ECMO. Sau 35 ngày điều trị bằng ECMO, tình trạng hô hấp của chị H đã được cải thiện.
Trước đó, cũng với kỹ thuật này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống một phụ nữ 34 tuổi ở quận Tân Bình bị viêm cơ tim cấp do virus. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch: suy đa cơ quan, suy tim nặng, suy hô hấp phải dùng shock điện để phục hồi nhịp tim. Sau khi áp dụng kỹ thuật ECMO, bệnh nhân này đã được cứu sống và xuất viện.
Một trường hợp điển hình khác được điều trị bằng ECMO là một bệnh nhân bị tai nạn giao thông khiến gãy chân, dập phổi, tràn máu màng phổi, viêm cơ tim cấp. Do gặp biến chứng thuyên tắc phổi nên bệnh nhân rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Sau 23 ngày điều trị bằng ECMO, bệnh nhân đã được cứu sống.
Tuy nhiên, vì là một kỹ thuật cao và khá mới mẻ nên quỹ Bảo hiểm Y tế vẫn chưa hỗ trợ chi phí cho các bệnh nhân cấp cứu bằng kỹ thuật ECMO. Trong khi đó, chi phí điều trị ECMO khá cao, khoảng 85 triệu đồng cho một màng lọc, mỗi màng lọc chạy trong khoảng 14 ngày. Bác sĩ Trương Dương Tiển cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy đang đề xuất để quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả chi phí cho các bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này nhằm cứu sống thêm nhiều bệnh nhân suy hô hấp, suy tim có hoàn cảnh khó khăn.