Bệnh nhân HIV thờ ơ với bảo hiểm y tế vì sợ bị kỳ thị
Ngày 15/4 tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo tham vấn kế hoạch kiện toàn cơ sở khám, chữa bệnh HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, dịch HIV/AIDS vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, trung bình mỗi tháng có gần 2.000 người nhiễm HIV mới. Hiện có khoảng 220.000 trường hợp nhiễm HIV còn sống. Số người nhiễm HIV được đưa vào điều trị thuốc kháng vi rút ARV mới đạt khoảng 50%.
Trong bối cảnh các nguồn viện trợ cho phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm và có thể dừng lại sau năm 2017, nhằm đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 – 2020, Chính phủ đã yêu cầu chuyển dần nhiệm vụ điều trị HIV/AIDS từ các chương trình, dự án viện trợ sang Quỹ BHYT.
Vì thế, Bộ Y tế đã đề nghị các Sở Y tế khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để thực hiện việc khám, chữa bệnh HIV/AIDS do BHYT chi trả. Công tác kiện toàn cần được hoàn thành trước ngày 30/6/2016.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thu Nhàn (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) cho biết, toàn quốc hiện có 316 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó có 208 phòng khám thuộc bệnh viện và trung tâm y tế có chức năng khám chữa bệnh (chiếm 64%) và 108 phòng khám tại các trung tâm y tế dự phòng và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (chiếm 36%). Các phòng khám này không có chức năng khám chữa bệnh do đó không đủ điều kiện để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh do BHYT chi trả.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến hết năm 2015, TPHCM có gần 42.000 trường hợp nhiễm HIV được quản lý, trong đó hiện số người nhiễm HIV còn sống là gần 31.000 người. Thành phố ghi nhận 100% quận huyện (24/24) và 100% phường xã, thị trấn (318/318) có người nhiễm HIV.
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện mới chỉ có 20% bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn có thẻ BHYT, phần lớn người nhiễm HIV không thiết tha tham gia BHYT vì nhiều lý do, trong đó có cả sự lo ngại bị kỳ thị. Một thực tế nữa là 24 phòng khám ngoại trú trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng quận huyện chưa có chức năng khám chữa bệnh nên không triển khai được BHYT.
252 trạm y tế phường xã tại 23 quận huyện đang nhận điều trị ARV cho 2.551 bệnh nhân nhưng ARV lại không có trong danh mục thuốc tại trạm y tế. Muốn đưa thuốc ARV phân phối cho các trạm y tế từ nguồn BHYT thì cần phải có văn bản từ cơ quan có thẩm quyền cho phép thuốc ARV được cấp cho bệnh nhân điều trị bệnh mãn tính tại trạm y tế (như tiểu đường, tăng huyết áp…). Đa số các trạm y tế chưa được đầu tư xét nghiệm cận lâm sàng, do đó việc thực hiện xét nghiệm định kỳ cho bệnh nhân vẫn phải chuyển lên tuyến quận huyện để thực hiện.
TPHCM đã triển khai chương trình thí điểm BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung tâm Y tế dự phòng quận 8 và Thủ Đức, tuy nhiên số bệnh nhân tham gia chưa nhiều, trung bình chỉ có khoảng 100 lượt khám/tháng tại 14 phường xã. Sở Y tế TPHCM dự kiến kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS tại các trung tâm y tế dự phòng theo quy chế điều trị ngoại trú để đủ điều kiện ký hợp đồng với BHYT cho bệnh nhân.
Mục tiêu đến cuối năm 2017 hệ thống y tế thành phố duy trì điều trị ARV cho khoảng 28.000 bệnh nhân hiện có và đưa vào điều trị ARV mới cho thêm 12.000-14.000 bệnh nhân HIV. Đây là một thách thức lớn vì đa số các phòng khám ngoại trú đã quá tải và chỉ có thể tiếp nhận thêm khoảng 6.000 bệnh nhân mới.
Thêm vào đó, nhân lực y bác sĩ, điều dưỡng, tư vấn… cũng là vấn đề cần được quan tâm vì hiện tại, toàn thành phố mới chỉ có 94 y bác sĩ điều trị; 38 điều dưỡng, tư vấn tham gia các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, trong đó nhiều quận huyện không có điều dưỡng, tư vấn như quận 1, quận 3, quận 9, quận Bình Chánh, Nhà Bè…
Vì thế, trong thời gian trước mắt, TPHCM sẽ tập trung kiện toàn cơ sở điều trị tại 4 bệnh viện (bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2), 8 phòng khám ngoại trú thuộc trung tâm y tế dự phòng các quận 1, 2, 4, 6, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và 6 bệnh viện tuyến quận huyện, đảm bảo triển khai dịch vụ khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS từ 1/7/2016.
Sau đó sẽ tiếp tục kiện toàn cho các phòng khám ngoại trú còn lại, củng cố quy trình chuyển tuyến giữa các cơ sở và bệnh viện quận huyện, hoàn thiện công tác cung ứng thuốc ARV từ nguồn BHYT tại các cơ sở, kể cả trạm y tế phường xã. Dự kiến đến 1/7/2017, tất cả các cơ sở điều trị HIV/AIDS đều có thể cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh, kể cả thuốc ARV.