Bệnh án điện tử phải bảo đảm khả năng kiểm soát truy cập của người dùng mọi thời điểm
Bộ Y tế đặt mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ có 20% bệnh viện trực thuộc Bộ triển khai bệnh án điện tử (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Dự thảo Thông tư quy định thí điểm về bệnh án điện tử hiện đang được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ(Chinhphu.vn), Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế (moh.gov.vn) để lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức.
Quy định việc triển khai thí điểm bệnh án điện tử và sử dụng chữ ký số trong bệnh án điện tử, Thông tư này sẽ được ban hành trong năm nay và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, với đối tượng áp dụng là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế.
Theo dự thảo Thông tư, Bệnh án điện tử (EMR) là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo Thông tư quy định, bệnh án điện tử phải có đầy đủ chức năng về quản lý cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quản lý thông tin hành chính, quản lý hồ sơ bệnh án và các chức năng chi tiết quy định tại bảng VIII “Bệnh án điện tử (EMR)” phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 54 ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về các yêu cầu cơ bản của bệnh án điện tử, tại dự thảo Thông tư, Cục CNTT – Bộ Y tế đề xuất bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể như: tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn CNTT theo quy định của Bộ TT&TT và Bộ Y tế quy định tại Điều 12 Thông tư này; bảo đảm khả năng kiểm soát truy cập của người dùng (nhân viên CNTT và nhân viên y tế) tại bất kỳ thời điểm nào, trong đó bảo đảm khả năng xác thực người dùng và cấp quyền cho người dùng và bảo đảm quyền riêng tư, bảo mật, kiểm tra truy vết; có khả năng lưu trữ và truy cập bệnh án điện tử theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; có khả năng kết xuất ra máy in theo mẫu hồ sơ bệnh án giấy trong trường hợp cần thiết.
Bệnh án điện tử còn phải phải có khả năng cung cấp hoặc kết xuất bản điện tử theo tập tin định dạng XML các thông tin về lần khám bệnh, chữa bệnh và các thông tin hành chính của người bệnh; tóm tắt bệnh án khi chuyển viện theo quy định của Bộ Y tế; thông tin trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thông tin hồ sơ sức khỏe cá nhân theo quy định của Bộ Y tế.
Dự thảo Thông tư của Bộ Y tế còn quy định rõ về thông tin định danh người bệnh trong bệnh án điện tử; bảo mật và tính riêng tư của dữ liệu trong bệnh án điện tử; lưu trữ bệnh án điện tử; lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS); truy cập và khai thác bệnh án điện tử; xác thực điện tử trong bệnh án điện tử; tiêu chuẩn CNTT; danh mục dùng chung trong bệnh án điện tử; cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện Thông tư quy định thí điểm bệnh án điện tử.
Theo Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2018 của Bộ Y tế được phê duyệt vào cuối năm ngoái, Bộ này đặt mục tiêu trong năm nay sẽ có 20% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai bệnh án điện tử.
Dự án “Triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2018 - 2020” cũng được Bộ Y tế xác định là một trong 19 nhiệm vụ, dự án trọng điểm ứng dụng CNTT ngành y tế năm 2018, bên cạnh các nhiệm vụ, dự án trọng điểm khác như: nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT trong quản lý ngành y tế; xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Y tế; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020 thuộc phạm vi của Bộ Y tế; xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong các lĩnh vực Dược, Trang thiết bị y tế, Môi trường y tế, Y Dược học cổ truyền; xây dựng kiến trúc tổng thể Y tế điện tử; nâng cấp hệ thống an toàn, an ninh mạng” cho toàn bộ hệ thống thông tin của Bộ Y tế...
Được biết, tính đến cuối tháng 6/2018, Bộ Y tế đã đưa vào vận hành hệ thống bệnh án điện tử tại 3 bệnh viện Trung ương gồm Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viên Nhi Trung ương và 1 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.