Bệnh á sừng: Làm gì để hạn chế khó chịu trong sinh hoạt?
Tôi bị bệnh á sừng hơn 1 năm nay. Vào mùa hè rất ngứa, lại nổi mụn nước. Có cách nào hạn chế bệnh không, thưa bác sĩ ?
Lê Văn Hóa (Thái Bình)
Trả lời:
Bệnh á sừng là một bệnh viêm da cơ địa dị ứng, là một bệnh ngoài da khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều vị trí da khác nhau, nhưng rõ rệt nhất là ở các đầu ngón tay, chân, gót chân. Vùng bàn tay, chân bị á sừng thường khô ráp, róc da, nứt nẻ.
Nếu không giữ gìn vệ sinh, người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát gây sưng tấy. Để bệnh không tiến triển nặng hơn, bệnh nhân cần thực hiện một số điều như sau: tránh bóc vẩy da, chọc nhể các mụn nước, chà sát kỳ cọ quá mạnh bằng đá kỳ, bàn chải..., làm xây xước lớp sừng tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn, nấm trên lớp sừng vốn đã kém sức đề kháng.
Không nên ngâm rửa tay chân nhiều nhất là nước muối vì nước muối ưu trương sẽ hút nước trong tế bào làm da càng khô và nứt sẽ rộng và sâu hơn. Thận trọng khi tiếp xúc với dụng cụ mạ nickel và đồ thuộc da như giày dép da. Hạn chế dùng xà phòng có độ tẩy mỡ cao ở tay chân.
Tăng cường ăn rau quả tươi để có đủ vitamin cho cơ thể nói chung và lớp sừng nói riêng. Giá đỗ, cà chua, các loại đậu, rau ngót, rau bí, bắp cải, cam bưởi, đu đủ, cà rốt... là nguồn cung cấp vitamin vô cùng quý báu. Bạn nên đi khám tại chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán bệnh và hướng dẫn cụ thể hơn.
Không được tự ý sử dụng thuốc, chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ điều trị vì thuốc điều trị bệnh da liễu có nhiều tác dụng phụ, dùng không đúng sẽ lợi bất cập hại. Ngoài ra, bạn nên kiên trì phòng tránh và tăng cường các thức ăn bổ dưỡng cho da.
Nguồn SKĐS