Bé trai 17 tháng bị thang cuốn nghiến nát cổ bàn tay: Đây là tổn thương rất nặng
Cổ tay bé P. đã được phẫu thuật nhưng cần phải theo dõi sát trong 10 ngày tới |
Sáng 7/4, TS.BS Mai Trọng Tường, Trưởng khoa Vi phẫu – Tạo hình, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật vết thương dập nát cổ bàn tay phải cho bệnh nhi V.N.T.P (17 tháng tuổi) bị thang máy ở sân bay Tân Sơn Nhất cuốn vào chiều 6/4.
Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhi nhập viện lúc 16h50 ngày 6/4 trong tình trạng dập nát cổ bàn tay phải, mô mềm bàn tay, gãy xương bàn tay ngón 3, 4, 5; đứt gân duỗi ngón 4, 5; đứt cung động mạch gan tay nông, dập cung động mạch gan tay sâu, dập khuỷ tay giữa trụ và cơ gian cốt.
Sau 10 phút tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng đưa bệnh nhi vào phòng phẫu thuật cắt lọc vết thương bỏ mô dập nát, khâu nối gân duỗi ngón 4, 5 và gân duỗi ngón 2, 3; thám sát mạch máu, bóc bao động mạch; cầm máu, đặt penrose dẫn lưu, khâu da thưa.
Hiện các bác sĩ đã nẹp bột bàn tay cho bé P. Sau phẫu thuật, bệnh nhi đang được bác sĩ khoa Vi phẫu tạo hình tích cực theo dõi, điều trị vết thương.
Trước đó, lúc 15h13 ngày 6/4, hai mẹ con chị N. đã làm thủ tục chuyến bay và vào phòng chờ đợi bay đi Đồng Hới khởi hành lúc 17h30. Trong thời gian chờ, cháu P. tự chạy đi chơi.
Đến 15h55 nhiều người nghe tiếng kêu và chạy đến thì thấy cháu ngã xuống thang cuốn cảm ứng tự động trong lúc thang vẫn tiếp tục chạy, tay phải của bé bị cuốn vào trong khiến cổ tay bị dập nát 75%.
BS Mai Trọng Tường cho biết, đây là tổn thương dập rất nặng, khả năng hư tay rất cao vì không giống như tổn thương đứt ngang, cổ tay bé P. bị dập nát nên rất khó nối, khả năng tắc mạch máu cao. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng phục hồi nhưng phải theo dõi một thời gian, vì có khả năng tay bé vẫn còn bị dập ở những đoạn khác.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã từng tiếp nhận nhiều ca tổn thương do thang cuốn hoặc tai nạn lao động, tai nạn giao thông nhưng chủ yếu bị ở chân và ở người lớn. Trường hợp bệnh nhân nhỏ như bé P. là ca đầu tiên bệnh viện tiếp nhận.
BS Mai Trọng Tường cho biết, với trường hợp đứt gần lìa thế này, nguồn máu nuôi bị cắt thì đối xử như trường hợp đứt lìa chi, phải sơ cứu, cầm máu, chuyển nhanh chóng tới nơi nối được càng nhanh càng tốt, nếu để quá lâu thì sẽ buộc phải cắt bỏ.
Với trường hợp của bé P. phải theo dõi ít nhất khoảng 10 ngày xem mạch máu có thông hay không. Nếu máu thông thì tay mới chắc chắn sống. Bên cạnh đó, xương cổ tay bị gãy, gân cơ dập nên sau này bé phải tập vật lý trị liệu mới phục hồi được chức năng của tay.