Bé 3 tuổi bị bong vảy da do vi khuẩn tụ cầu
Cháu bé bị bong vảy da do vi khuẩn tụ cầu |
Theo thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ, bệnh nhi vào viện ngày 30/9/2018 trong tình trạng toàn thân nổi ban đỏ, ngứa nhiều, da các vùng hốc tự nhiêm như mắt, môi, nắch, mang tai, hậu môn đỏ nhiều, bong da, chảy dịch. Vùng môi của bệnh nhi phù nề, ăn uống kém, liên tục gãi toàn thân.
Qua khám lâm sàng và các cận lâm sàng cần thiết các Bác sỹ chẩn đoán bé bị hội chứng bong vảy da do tụ cầu (hội chứng 4S) (Stahylococcal scalded skin syndrome).
Theo mẹ bệnh nhi cho biết: Trước khi vào viện 4 ngày bé xuất hiện ho, sốt, chảy nước mũi nên gia đình nghĩ bị cảm cúm thông thường đã tự mua thuốc điều trị tại nhà. Sau 4 ngày, người bé xuất hiện mụn nước, ban toàn thân phỏng rộp lên, nổi hạch vùng mang tai, gia đình đã lấy lá cây thuốc nam đắp vùng hạch nổi. Tình trạng của bé ngày càng nặng và bé quấy nên đã đưa bé đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương điều trị.
Sau khi nghe Bác sỹ giải thích kỹ lưỡng về bệnh của con gái mẹ bệnh nhi khá bất ngờ vì chưa bao giờ nghe về căn bệnh này. Những biểu hiện của bệnh rất giống với cảm cúm nên gia đình chủ quan không đưa đến bệnh viện thăm khám.
Bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết: Hội chứng bong vẩy da do tụ cầu hay Stahylococcal scalded skin syndrome (SSSS) là bệnh nhiễm trùng da cấp tính gây nên do ngoại độc tố của tụ cầu. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đỏ da, phỏng nước, bong vẩy da lan toả. Bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt nặng đối với trẻ sơ sinh. Với một số biểu hiện ban đầu như sốt, mệt mỏi, nổi ban đỏ toàn thân nên cha mẹ rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác.
Bệnh bắt đầu từ 1 nhiễm trùng ở quanh hốc mắt, mũi, miệng, và các nếp kẽ bẹn, nách xuất hiện các thương tổn đỏ da, mụn nước, mụn mủ dập vỡ nhanh đóng vẩy tiết. Kèm theo bệnh nhân mệt mỏi, sốt. Sau 24-48h, da đỏ nhanh chóng lan rộng ra toàn thân, phù nề, đau. Trên bề mặt da xuất hiện các bọng nước mềm, rất nông, không rõ ranh giới, dễ trợt, đôi khi các bọng nước này liên kết với nhau thành mảng rộng, sau đó trợt ra, bong vẩy mỏng, để lại nền da đỏ ẩm. Những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh tiến triển trong vòng 5-7 ngày, các thương tổn khô lại, bong vẩy da và khỏi.
Hiện tại sức khỏe của bệnh nhi N đã ổn định, các vùng da tổn thương đã liền và đang khô, bệnh nhi có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
Theo các bác sĩ cách phòng bệnh này nếu mẹ bị áp-xe vú do tụ cầu thì không nên cho con bú cho đến khi điều trị khỏi hẳn áp-xe này.
Đối với những người nuôi dưỡng trẻ, nếu bị viêm da, viêm họng... cần điều trị khỏi hẳn mới tiếp tục chăm sóc trẻ. Trong nhà trẻ, phòng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, khi có trẻ bị bệnh cần cách ly và không cho trẻ khỏe mạnh tiếp xúc với bệnh nhi. Điều trị tích cực các bệnh viêm da, viêm tai mũi họng... cho trẻ. Đặc biệt không được tự ý đắp hoặc bôi bất cứ loại thuốc namhay lá cây nào lên da của trẻ, việc làm đó sẽ vô tình làm tổn thương nghiêm trọng và dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng của trẻ.
Khi trẻ có các biểu hiện như sốt, nổi ban, mụn nước toàn thân, đặc biệt vùng hốc tự nhiên như mắt, môi, hậu môn cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được bác sỹ thăm khám và điều trị.