Bé 11 tuổi suýt tử vong vì đột quỵ: Lời cảnh tỉnh từ những lần đau đầu của trẻ
Sau cơn đau đầu dữ dội kèm nôn ói, bệnh nhi 11 tuổi suýt rơi vào hôn mê vì vỡ phình mạch máu não, một bệnh lý như quả bom nổ chậm.
TS BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ và tim mạch Cần Thơ cho biết bệnh viện vừa can thiệp điều trị cho 1 trường hợp bệnh nhi 11 tuổi bị đột quỵ não.
Bệnh nhi vào cấp cứu tối 7/4 với biểu hiện đau đầu dữ dội kèm theo nôn ói. Khi vào viện bác sĩ đã nghi ngờ xuất huyết não do vỡ phình mạch máu não.
TS Cường cho biết khác với đột quỵ ở người lớn có thể do nhồi máu não còn ở trẻ em đa phần do xuất huyết não từ dị dạng mạch máu não mà không được phát hiện kịp thời.
Trước đó, này cũng tiếp nhận bé gái tên L.K.N., 10 tuổi, ở Hậu Giang trong tình trạng xuất huyết não. Tại địa phương, bác sĩ thông báo bé trong giai đoạn nguy cấp ảnh hưởng đến tính mạng cần được điều trị tại bệnh viện chuyên sâu.
Theo người nhà, trước khi đột quỵ bé K.N. đang đi học bình thường, đột ngột có những biểu hiện đau đầu dữ dội và ói. Cô giáo ngay lập tức gọi cho phụ huynh đến đón bé về.
Bé K.N. phát triển mạnh khỏe, học giỏi, không có bất kỳ bất thường nào nhưng từ lúc 5 tuổi bé lâu lâu hay kêu nhức đầu. Nghĩ con gái mình chỉ do đi nắng rồi nhức đầu, rồi con bé nghỉ ngơi lát là khỏe lại bình thường nên ba mẹ không dẫn đi kiểm tra.
Túi phình mạch máu não của trẻ bị vỡ. |
Đối với trẻ nhỏ, TS Cường cho biết người nhà hãy cảnh giác với những cơn đau đầu đột ngột, kèm nôn ói, lừ đừ, tiếp xúc chậm chạp của trẻ em trong nhà.
Vỡ dị dạng mạch máu não là nguyên nhân phải nghĩ đến đầu tiên trong bệnh cảnh đột quỵ não trẻ em. Khác hoàn toàn với đột quỵ người cao tuổi thường gặp tắc mạch gây nhồi máu não nhiều hơn.
Theo TS Cường khi có biểu hiện trên, người thân đừng phí thời gian "tự trị" tại nhà để tránh rủi ro cho các cháu đôi khi còn mất luôn vĩnh viễn "cục vàng duy nhất của mình".
Với các trường hợp chảy máu não, việc điều trị khó là tuỳ vào lượng máu chảy, vị trí xuất huyết, tình trạng lâm sàng lúc nhập viện có còn cơ hội để cứu chữa hay không. Cấp cứu các trường hợp này thời gian vẫn là yếu tố vô cùng quan trọng.
Khi xảy ra đột quỵ ở trẻ em, thì ngày nay sẽ điều trị theo phương pháp can thiệp nội mạch DSA, ít xâm lấn, đặc biệt là điều trị được những vùng não sâu mà phẫu thuật không mổ tới. Ngoài ra, sau can thiệp trẻ nhỏ bảo tồn được phần lớn chức năng, không để lại bất kỳ vết sẹo nào.
TS Cường lưu ý các bậc phụ huynh khi các cháu kêu đau đầu quá, nôn ói bất thường, lơ mơ, không linh hoạt như thường ngày, co giật, động kinh, yếu tay chân 1 bê phải đi khám ngay.
Việc chẩn đoán sớm được 1 dị dạng mạch máu não lúc chưa vỡ thì việc điều trị sẽ chủ động hoàn toàn và tất nhiên là an toàn hơn gấp 10 lần so với can thiệp lúc đã vỡ.
Dị dạng mạch máu (AVM) vô cùng nguy hiểm bởi có thể gây ảnh hưởng đến chi phối của não bộ lên hoạt động cơ thể, nếu phát hiện và điều trị muộn có thể dẫn đến tử vong.
Trong y khoa, những túi phình mạch máu não được ví như bom nổ chậm, có thể vỡ gây ra cơn đột quỵ xuất huyết não bất cứ lúc nào.
Dị dạng này có sẵn từ nhỏ, cháu bé không có triệu chứng gì cả, nhưng nó có thể lớn dần theo thời gian và gây triệu chứng và chỉ đến khi có cơn đột quỵ thì mới hay nguyên nhân do dị dạng.
Di dạng mạch máu não cũng là nguyên nhân khiến người trẻ bị xuất huyết não ngày càng cao.
TS Cường cảnh báo, đau đầu ở người trẻ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính do dị dạng mạch máu não. Vì vậy, khi xuất hiện những cơn đau đầu thường xuyên, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám, chụp chiếu, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh hệ lụy chảy máu não có thể gây tử vong.
Di dạng mạch máu não là bệnh nguy hiểm nhưng nếu được chẩn đoán sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Hiện nay, phương pháp chụp mạch máu não bằng ứng dụng DSA giúp bác sĩ có cái nhìn chính xác về vị trí, kích thước, hình dạng của đoạn mạch dị dạng đồng thời vẽ được biểu đồ huyết mạch nơi mạch máu dị dạng phát sinh.
K.Chi