Bất lực trước việc hành nghề trái pháp luật của bác sĩ Trung Quốc?
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa quyết định xử phạt phòng khám An Khang (Đống Đa, Hà Nội) hơn 100 triệu đồng do thuê bác sĩ Trung Quốc hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn và thu tiền cao hơn giá niêm yết. Sự việc này không là một điều hiếm gặp, bởi vốn dĩ, việc hành nghề của các bác sỹ Trung Quốc tại các cơ sở y tế tư nhân ở Việt Nam là một vấn đề nhức nhối.
Khó “bắt tận tay” bác sỹ Trung Quốc vi phạm quy định về khám chữa bệnh
Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tại Hà Nội đã bị xử phạt vì các bác sỹ Trung Quốc hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn.
Cụ thể: Phòng khám An Khang (Đống Đa, Hà Nội) thuê bác sĩ Viên Cát Lượng (quốc tịch Trung Quốc) để khám chuyên khoa ngoại. Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề, bác sĩ Lượng đã kê cả đơn thuốc y học cổ truyền cho bệnh nhân, điều này vượt quá phạm vi chuyên môn. Cùng với một số các vi phạm khác về “chặt chém” khách hàng, quảng cáo sai quy định, phòng khám này vừa bị xử phạt 102 triệu đồng.
Trước đó, ngày 5/7/2016, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra đột xuất phòng khám Việt Tâm và phát hiện nhiều sai phạm. Theo đó, đây là phòng khám chuyên khoa chẩn trị về đông y nhưng lại treo biển phòng khám đa khoa và chưa có số đăng ký. Phòng khám này sử dụng một số loại thuốc chưa đăng ký, cấp phép để điều trị cho người bệnh.
Với những vi phạm này, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám, đợi đến khi bác sĩ người Trung Quốc phụ trách chuyên môn của phòng khám sang Việt Nam sẽ yêu cầu giải trình, làm rõ các nội dung sai phạm.
Xử phạt tiền; tước giấy phép hành nghề tạm thời chỉ là việc làm ngày một, ngày hai, chứ chưa đủ sức răn đe để chấm dứt những sai phạm này. Theo Thanh tra Sở y tế Hà Nội, dù biết có bác sĩ Trung Quốc hoạt động sai quy định trong phòng khám nhưng để xử lý được thì rất khó.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở y tế Hà Nội cho biết: “Các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc làm việc “chui” rất ma mãnh, trên sổ sách họ chỉ ghi tiếng Việt, giờ mình có sổ cũng khó truy ra. Mình có cầm sổ tới, họ đưa một bác sĩ trong danh sách nhân sự ra ký vào đấy thì mình cũng bằng hòa. Chỉ có thể xử lý vi phạm không ghi sổ sách đầy đủ.
Còn với kiểu bác sỹ ngoại mà khám sản, tức là sai chuyên môn như ở phòng khám An Khang nói trên thì nếu mình không theo dõi, bắt được tận tay thì không có bằng chứng để xử phạt. Chuyện xử phạt này khó chứ không phải đơn giản”.
Lực lượng thanh tra mỏng, hay buông lỏng quản lý?
Lý do của việc vẫn tồn tại tình trạng bác sỹ Trung Quốc hành nghề sai quy đinh tại các cơ sở y tế tư nhân mà đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng đưa ra là hiện lực lượng thanh tra còn mỏng.
Bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Việc hành nghề “chui” hoặc không đúng với chuyên môn được cấp phép của bác sỹ Trung Quốc tại các phòng khám tư nhân trên địa bàn là trái pháp luật, phải bị tố giác và xử phạt.
Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng thanh tra quá mỏng, mà không chỉ thanh tra các phòng khám tư nhân, còn nhiều việc phải làm như thanh tra các cơ sở thực phẩm, các thẩm mỹ viện, các cơ sở hành nghề dược... cho nên không thể đi đến thanh tra từng cơ sở một. Chúng tôi vẫn tổ chức các đợt thanh tra đột xuất và định kì theo quy định. Tất nhiên, nếu thanh tra mà thấy sai phạm thì mới xử phạt được”.
Chánh Thanh tra Sở y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường thì cho biết: “Hà Nội hiện có 29 cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài, trong đó có những bác sĩ Trung Quốc đã được cấp phép hành nghề, chủ yếu là hành nghề về y học cổ truyền. Hằng năm, Thanh tra Sở vẫn phối hợp cùng với Công an để tiến hành kiểm tra đột xuất, và thường sẽ kiểm tra các phòng khám có dấu hiệu vi phạm, đã có bằng chứng để tiến hành xử phạt”.
Khi đặt ra vấn đề có sự bao che của các cơ quan chức năng nên nhiều phòng khám có các sĩ Trung Quốc hành nghề “chui” hoặc hành nghề không đúng chuyên môn được cấp phép bị xử phạt rồi vẫn tái phạm, phát biểu trên báo chí, TS Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: “Cứ thử hình dung xem, cuộc kiểm tra liên ngành thường phải có kế hoạch, rồi người nọ người kia, dễ tai vách mạch rừng, không loại trừ có trường hợp “bảo kê” cho phòng khám.
Theo tôi thì có hiện tượng bảo kê này, nhưng không nhiều. Mà khi xuống kiểm tra, nhìn thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, họ cũng kịp tẩu tán. Muốn phát hiện vi phạm, phải có cách kiểm tra. Cứ đóng giả bệnh nhân đến khám bệnh, thể nào cũng phát hiện vi phạm, nhưng mình chưa làm được điều đó”.
Việc phát triển của dịch vụ y tư nhân là điều tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Thế nhưng, nếu như các cơ quan quản lý nhà nước lơ là từ khâu cấp phép, thanh tra, rồi hậu kiểm, thì có lẽ sẽ còn có nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”, mà khám chữa bệnh lại là dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Nguồn Khoeplus