Bất động sản 2021: Hãm giá nhà tăng, đau đâu phải chữa ở đó!
Một số chuyên gia bất động sản nhấn mạnh, cần sớm áp dụng các giải pháp, tập trung theo hướng "đau đâu chữa đó" để bình ổn giá nhà chứ chưa nói để...
Giá nhà tăng ra sao?
Năm qua, dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng chưa có xu hướng giảm giá trên thị trường nhà ở. Nhiều lo ngại giá nhà sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong năm 2021 khiến ước mơ có nhà của nhiều người lao động càng trở nên khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội quý IV/2020 tiếp tục tăng khoảng 2-3% so với cùng kỳ; tại TP.HCM tăng khoảng 3-4%.
Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2020, các loại căn hộ chung cư đều ghi nhận có sự tăng giá. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng giá ở mỗi loại căn hộ chung cư tương đối khác nhau, trong đó, các căn hộ bình dân có tỷ lệ tăng giá mạnh hơn nhất, kế tiếp là căn hộ trung cấp.
"Lũy kế của sự tăng giá liên tục làm cho giá các loại căn hộ thay đổi đáng kể. Có những dự án, căn hộ trước đây thuộc phân khúc bình dân thì nay đã có mức giá thuộc phân khu trung cấp, vượt khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn", Bộ Xây dựng cho hay.
Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2020, các loại căn hộ chung cư đều ghi nhận có sự tăng giá. Ảnh: Dân trí. |
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, một trong những nguyên nhân tăng giá căn hộ đến từ việc khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao.
Ngoài ra, giá nhà tại các địa phương, khu vực tăng có thể do nguyên nhân khác như điều chỉnh địa giới hành chính, quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng… Song nhìn chung vẫn là do nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất cao mà nguồn cung chưa kịp đáp ứng.
Trong những năm gần đây, thị trường có sự khan hiếm dự án mới, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Hàng loạt dự án bất động sản ở hầu hết địa phương đều phải tạm dừng triển khai để phục vụ việc rà soát.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả năm 2020, trên cả nước có 322 dự án với 110.181 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bộ Xây dựng cho biết, số lượng nhà ở được chứng nhận đủ điều kiện đưa vào kinh doanh đặc biệt là ở giai đoạn quý I và quý II/2020 tương đối thấp. Trong quý III và quý IV, số lượng nhà ở đủ điều kiện đưa vào kinh doanh tại các địa phương có tăng hơn so với các tháng đầu năm.
Lãnh đạo Bộ này cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thành các chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, giá thấp.
Qua đó, tạo nhiều nguồn cung nhà ở giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân đô thị để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp và điều chỉnh cơ cấu bất động sản nhà ở.
Đề cập đến nguyên nhân giá căn hộ tăng năm 2020, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - cho biết, giá đất (giá tính chi phí đất) để đầu tư phát triển căn hộ cũng có chiều hướng tăng lên và thời gian để một dự án ra hàng trong giai đoạn Covid này cũng rất lâu, dẫn đến tăng chi phí cơ hội và chi phí đầu tư ban đầu.
Giá nhà năm 2021 liệu có tiếp tục tăng?
Hình minh họa |
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc cho biết, việc giá bất động sản có giảm hay không phụ thuộc rất lớn vào vấn đề cung - cầu, tâm lý của người nắm giữ tài sản và đặc biệt là việc kiểm soát dịch bệnh.
Theo vị này, riêng về vấn đề cung - cầu, nếu nguồn cung cứ tiếp tục suy giảm trong khi nhu cầu về nhà ở còn lớn thì khó có thể đề cập đến chuyện giảm giá nhà.
Thêm vào đó, năm 2020 dù chứng kiến nhiều khó khăn nhưng thay vì xuất hiện các đợt bán tháo, bán ồ ạt tài sản thì dòng tiền chảy vào bất động sản nhằm thu mua, đợi sinh lời cao hơn rất nhiều.
Đưa ra các giải pháp nhằm ổn định thị trường bất động sản và giảm thiểu chi phí nhà ở trung và dài hạn mới đây, Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnRea) kiến nghị cần công khai rộng rãi quy hoạch đô thị, các dự án xây dựng nhà ở; có tiêu chuẩn cụ thể về cấp chất lượng nhà ở và đơn giá xây dựng (khung).
Bãi bỏ cơ chế đấu thầu nhà đầu tư đối với các dự án đất công cho thuê và các dự án có đất công chiếm dưới 50% tổng diện tích của dự án; cho phép các ngân hàng thương mại thu nợ bất động sản là nhà ở theo cơ chế "đồng biến" theo giá cả thị trường bất động sản; Bãi bỏ quy định về tăng tài sản đảm bảo khi giá bất động sản giảm;
Ngoài ra, VnRea kiến nghị cần có quy định chi tiết khung thời gian đối với các khâu trong quy trình xét và cấp phép dự án đầu tư bất động sản nhà ở, ngoại trừ khâu đền bù giải phóng mặt bằng; Nghiên cứu toàn diện về cơ chế và phương pháp giảm chi phí hình thành dự án bất động sản nhà ở, nhất là từ phía thể chế, chính sách, thủ tục hành chính và năng lực quản lý, điều hành của cơ quan công quyền.
Một số chuyên gia bất động sản cũng nhấn mạnh, cần sớm áp dụng các giải pháp "đau đâu chữa đó" để bình ổn giá bất động sản chứ chưa nói để việc giảm giá. Trong đó, việc đầu tiên là phải xử lý vấn đề nguồn cung. Xử lý các điểm nghẽn của thị trường, khai thông các dự án, tăng nguồn cung.
Với tình hình hiện tại, nhiều dự báo cho rằng số lượng căn hộ phân khúc từ 35-40 triệu đồng/m2 vẫn còn nhưng ngày càng ít. Trong khi đó các căn hộ giá bình dân thì gần như "biến mất" ở một số thị trường.
Trong khi đó, nhìn nhận ở góc nhìn tích cực hơn ở thị trường Hà Nội, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, năm 2021 sẽ khó có biến động lớn cho thị trường căn hộ. Hà Nội sẽ không có tình trạng khan hiếm nguồn cung giống như TP.HCM, giá có thể vẫn kiểm soát được.
Giá chung cư tăng, nhà ở xã hội chìm trong "cơn bão" giá
Phân khúc nhà ở xã hội đang “chìm” dần trong cơn bão tăng giá nhà chung cư tại các đô thị hiện nay với nguyên nhân phần lớn đến từ chính sách.
Theo VTV.vn