Bất chấp Nhật Bản phản đối, ông Medvedev bất ngờ thăm hòn đảo tranh chấp
Thủ tướng Nga Medvedev bất ngờ thăm hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản |
Theo hãng tin Interfax, ngày 2/8 Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có chuyến thăm tới một trong 4 hòn đảo do Nga kiểm soát ngoài khơi Hokkaido, khu vực mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền, bất chấp việc Tokyo đề nghị Moscow hủy chuyến thăm này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Medvedev kể từ năm 2015.
Thủ tướng Medvedev đã tới đảo Etorofu, mà Nga gọi là Iturup. Hòn đảo này thuộc chuỗi đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, còn Moscow gọi là Nam Kuril.
Các quan chức trong chính quyền Nga cho biết, dự kiến Thủ tướng Medvedev sẽ thăm một nhà máy chế biến hải sản và một cơ sở suối nước nóng, kiểm tra tiến độ trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng như đường sá và trường học, và đi câu cá trên du thuyền.
Quan hệ Nga-Nhật được cho là bằng mặt nhưng không bằng lòng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Tranh chấp chủ quyền liên quan đến 4 hòn đảo trong quần đảo Nam Kuril vẫn là ranh giới không thể vượt qua trong quan hệ Nga-Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản Abe, Tổng thống Nga Putin |
Nhóm 4 đảo phía Nam quần đảo Kuril nằm rất gần Nhật Bản nhưng hiện do Moscow quản lý sau Thế chiến II. Quần đảo này vẫn được Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi đó là Vùng lãnh thổ phương Bắc bị “Nga chiếm giữ trái phép”.
Đây là vùng biển đảo được đánh giá không chỉ giàu tài nguyên khoáng sản, thủy sản mà còn là cửa ngõ ra vào Thái Bình Dương cho các hạm đội hải quân Nga.
Trong nhiều thập kỷ, Moscow và Tokyo vẫn tiếp tục đàm phán với mục đích đạt được một Hiệp ước hòa bình theo kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai. Trở ngại chính cho điều này là sự bất đồng về quyền sở hữu phần phía Nam của Quần đảo Kuril. Sau khi kết thúc chiến tranh, toàn bộ quần đảo đã được sáp nhập vào Liên Xô, nhưng 2 bên đã tranh chấp các đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và một nhóm các đảo nhỏ liền kề.
Quan điểm của Moscow là quần đảo Nam Kuril đã trở thành một phần của Liên Xô sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và chủ quyền của Nga đối với quần đảo này là hợp pháp, có đăng ký pháp lý quốc tế.