Bảo vệ "ô sin" không chỉ bằng lời kêu gọi
Bảo vệ "ô sin" không chỉ bằng lời kêu gọi
>> Nỗi đau mang tên "ô sin"
Lãnh đạo Công đoàn kêu gọi tương thân - tương ái
Vụ bạo hành dã man đối với bà Phạm Thị Phương (59 tuổi) - người giúp việc gia đình, vừa xảy ra tại Kim Mã - Hà Nội hiện đang là tâm điểm chú ý của dư luận.
Giúp việc gia đình chưa được coi là một nghề trong xã hội được pháp luật lao động bảo vệ . Ảnh Internet |
Chiều 10/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet, ông Trần Văn Thực – Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội bày tỏ quan tâm sâu sắc tới sự việc này và nói "sẽ tới thăm hỏi và động viên gia đình bà Phương".
Nhưng, ông nhận định, trường hợp ngược đãi người giúp việc này "chỉ là một trong số ít".
Để phát hiện, ngăn chặn các sự việc tương tự, ông Thực cho biết: Thời gian tới, Liên đoàn Lao động TP sẽ cùng với chính quyền địa phương kiểm tra những tổ chức, cá nhân có sử dụng người giúp việc gia đình trên địa bàn Hà Nội, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nếu có sai phạm.
Vị lãnh đạo Công đoàn TP Hà Nội kêu gọi, các tổ chức chính trị -xã hội như Phụ nữ, Đoàn thanh niên, các cơ quan thông tấn, báo chí... vào cuộc và hỗ trợ để phát hiện, ngăn chặn kip thời, lên án hành vi ngược đãi người giúp việc gia đình.
"Liên đoàn Lao động TP cũng khuyến khích những tổ chức, cá nhân chăm lo tốt cho quyền lợi của người giúp việc gia đình. Tạo mối quan hệ hai chiều giữa chủ nhà và người giúp việc, bởi truyền thống của người Việt Nam là tương thân, tương ái", ông Thực nói thêm .
Theo vị lãnh đạo Công đoàn TP, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để ngăn ngừa ngược đãi, bạo hành đối với người giúp việc gia đình hay các xâm hại khác chưa tới mức xử lý hình sự.
"Ô sin" sẽ được bảo vệ bằng hợp đồng lao động?
Không chỉ dừng lại ở kêu gọi, việc bảo vệ quyền lợi của những người làm công việc này và ràng buộc nghĩa vụ đối với chủ nhà đã được tính toán luật hóa.
Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), coi nghề giúp việc nhà cũng là một nghề trong xã hội, cần có hợp đồng lao động và được đóng bảo hiểm như những ngành nghề khác.
TS Đặng Quang Điều – Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) ý kiến rằng, thời gian này chưa nên đưa ngay quy định cụ thể vào luật, bởi chưa được nghiên cứu kỹ càng trong xã hội và chưa áp dụng thí điểm vào thực tiễn.
Dự liệu nhiều vấn đề sẽ phải giải quyết như: Chủ sử dụng thuê người giúp việc gia đình ổn định lâu dài sẽ phải ký hợp đồng như thế nào? Cơ quan nào sẽ giám sát, nhận khiếu nại, tư vấn cho các bên khi nảy sinh các tranh chấp, mâu thuẫn? Việc đóng bảo hiểm cho người giúp việc triển khai thế nào (chủ nhà có bỏ tiền đóng bảo hiểm xã hội giống như doanh nghiệp)...?
Vì vậy theo ông Điều, chỉ nên đưa ra quy định có tính chất khung, sau khi thực hiện thí điểm 1-2 năm nếu thấy đầy đủ cơ sở khoa học thì sẽ cụ thể hóa dưới hình thức Nghị định.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đầy đủ cả những biện pháp bảo vệ những người giúp việc ở những lứa tuổi khác nhau như: trẻ em, lao động nữ, trẻ vị thành niên hay người lớn tuổi…
Tuy nhiên, ông Điều không đặt hết hy vọng vào ràng buộc hợp đồng mà cho rằng, về lâu dài cần tuyên truyền, hướng đến xây dựng quan hệ tốt đẹp, bền vững giữa chủ nhà và người giúp việc. Có như vậy thì tình trạng bạo hành, ngược đãi như vừa qua mới có thể chấm dứt.
Theo khảo sát của mới đây của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, có tới 60-65% người giúp việc trông trẻ em và người già, số còn lại là làm công việc nội trợ.
Ngoài việc chọn người giúp việc có lai lịch rõ ràng, có tư cách, đạo đức, nếu không đối xử tốt với họ, các gia đình sẽ không thể an tâm giao phó công việc nhà và chăm sóc người thân.
Nguyễn Quỳnh