Bảo tàng chỉ như một nơi cất giữ đồ cũ?
Ông Võ Văn Thắng cho hay, 100 năm sau ngày thành lập (1915 – 2015), Bảo tàng Chăm Đà Nẵng đang đứng trước những cơ hội mới. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn đang ở phía trước, trong khi cái đang phải sống hàng ngày là một tòa nhà cũ kỹ sau 100 năm. Các bức tường bong tróc, lộ ra từng màu vôi vữa khác nhau của những đợt bảo dưỡng. Mái thấm dột từng phần mà những cố gắng sơn phết sau những mùa mưa vẫn không thể nào che giấu hết.
Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, cách trưng bày tại bảo tàng này hầu như không đổi từ thế kỷ trước! (Ảnh: HC) |
“Các gian trưng bày tĩnh lặng, mang đậm màu thời gian với những cách trưng bày hầu như không đổi từ thế kỷ trước. Các chức năng phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ như kho, xưởng bảo quản, thư viện nghiên cứu, hội trường hội thảo, dịch vụ lưu niệm… đều bộc lộ tính tạm thời, chật hẹp và thiếu trang thiết bị. Đội ngũ nhân lực tuy có những nỗ lực vươn lên nhất định, thân ái, hòa đồng nhưng vẫn chưa thoát khỏi quán tính của một lối làm việc cầm chừng, không kích thích được những hạt mầm sáng tạo, năng động!” – ông Võ Văn Thắng cho hay.
Những tồn tại, khó khăn nêu trên của Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, theo ông Võ Văn Thắng, không nằm ngoài những tồn tại chung của nhiều bảo tàng trong cả nước. Nó nảy sinh từ bối cảnh kinh tế xã hội mà trong đó phần lớn công chúng và các nhà quản lý thường chỉ xem bảo tàng như một nơi cất giữ đồ cũ. Việc đầu tư cho bảo tàng luôn được xếp ở hàng áp chót, sau khi đã có đủ trang trải cho tất cả các công việc được xem là cần thiết hơn cho cuộc sống.
Đáng chú ý, theo ông Võ Văn Thắng, ngày nay Việt Nam đang hội nhập thế giới và tiếp xúc với những quan niệm khác về bảo tàng. Trong đó, bảo tàng được xem là một địa chỉ cần thiết cho sự nuôi dưỡng một đời sống tinh thần và trí tuệ lành mạnh. Bảo tàng thường là sự kế thừa tài sản của những nhà quý tộc danh giá, bao gồm các lâu đài, dinh thự chuyển thành tòa nhà bảo tàng; bao gồm các tác phẩm nghệ thuật vô giá và cả tiền tài trợ ký quỹ ở ngân hàng để nuôi sống bảo tàng.
Các bảo tàng của Việt Nam cũng bắt đầu gia nhập các tổ chức kết nối các bảo tàng trên thế giới, như Hiệp hội Bảo tàng Thế giới, Hiệp hội Bảo tàng châu Á… Các tổ chức này đang cùng chia sẻ những nhiệm vụ mới đầy năng động của thiết chế bảo tàng nhằm thu hút công chúng, phục vụ xã hội nhiều hơn và nhằm vượt qua những khó khăn trong môi trường phải chịu nhiều sự cạnh tranh của các ngành công nghệ giải trí.
“Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức cho các bảo tàng Việt Nam nói chung, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng nói riêng! – ông Võ Văn Thắng nhấn mạnh – Với những tồn tại mang tính chung và tính đặc thù, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng chỉ có thể vận dụng được cơ hội và vượt qua các thử thách khi mà từ hai phía, phía các nhà quản lý và phía đội ngũ nhân viên bảo tàng, đều có những sự khởi động và tăng tốc mạnh mẽ!”.
Ở phía các nhà quản lý, theo ông Võ Văn Thắng, cần hướng đến những phương thức quản lý và đầu tư mới, qua đó khai thác được nguồn đầu tư của xã hội, giải được bài toán về tài chính, đồng thời tạo cơ chế cho một sự lãnh đạo đủ năng lực và quyền hạn để dở bỏ những rào cản của sự trì trệ, định kiến.
Trong khi đó ở phía đội ngũ nhân viên bảo tàng, ông Võ Văn Thắng cho rằng, cần có quyết tâm học hỏi để đủ kỹ năng và trình độ làm việc trong một môi trường đòi hỏi chuyên môn cao và cần một niềm say mê để vượt qua những khó khăn kinh tế trươc mắt, hướng đến những thành quả mang tính trí tuệ và nhân văn của nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.
Nâng cấp Bảo tàng Chăm: Đã có quyết định, đang xin bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư!
Ông Võ Văn Thắng cho hay, việc nâng cấp Bảo tàng Chăm Đà Nẵng đã được nêu ra trong những năm qua và nhiều phương án khác nhau đã được thảo luận với tinh thần chung là “thận trọng”. Kết quả đến ngày 19/1/2015, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định 310/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Mục tiêu thiết kế là: “Giữ nguyên vị trí và kiến trúc công trình hiện có; nâng cấp, cải tạo, trùng tu, sắp xếp lại các không gian chức năng của Bảo tàng Điêu khắc Chăm và lộ trình tham quan hợp lý, đảm bảo điều kiện làm việc, hoạt động trưng bày, tổ chức các sự kiện, khai thác và phục vụ khách tham quan du lịch, phục vụ hoạt động nghiên cứu và học tập của các cá nhân và tổ chức có nhu cầu”.
Tiến độ thực hiện được nêu ra trong Quyết định 310/QĐ-UBND: “Năm 2015, hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư công trình, gồm phê duyệt quy mô đầu tư; hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Năm 2016 khởi công xây dựng công trình”. Hiện Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đang xin bố trí kinh phí và làm việc với đơn vị tư vấn để thực hiện bước “chuẩn bị đầu tư”.