Bão số 4 sẽ di chuyển nhanh khi vào đất liền
Đánh giá về cơn bão số 4, TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, cơn bão này thoạt đầu ảnh hưởng có thể giống bão số 2, về cường độ, hướng đi, tuy nhiên lượng mưa ít hơn, thời gian mưa ngắn hơn, khu vực mưa hẹp hơn so với cơn bão số 2.
Trong 24h vừa qua bão hầu như không dịch chuyển. Hồi 07 giờ ngày 24/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 180km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Vị trí và đường đi cơn bão số 4 |
Hiện bão đang di chuyển chậm trên biển, nhưng từ tối nay đến ngày mai bão sẽ di chuyển nhanh hơn khi tiến vào đất liền. Đêm 25, rạng sáng 26 bão sẽ đi vào đất liền. Khu vực đổ bộ của bão từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Từ ngày mai 25/7, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 3-5m, vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sóng cao từ 2-3m.
“Cường độ bão số 4 không bằng cơn bão số 2 nhưng vẫn rất nguy hiểm vì tốc độ vào bờ nhanh. Vì vậy các cơ quan chức năng cần thông báo sớm cho các tỉnh ảnh hưởng bão”, ông Cường cảnh báo.
Chiều nay (24/7) có mưa ở Quảng Trị, Quảng Ngãi. Còn từ ngày mai (25/7) mưa từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cho đến hết ngày 26/7. Lượng mưa trọng tâm vẫn ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Từ chiều tối và đêm 25/7 ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to.
Đại diên Tổng cục Thủy lợi cho biết, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 2, một số tàu thuyền nhỏ đã bị hư hỏng do ngư dân chủ quan không kéo tàu thuyền vào bờ. Vì thế, hiện nay Tổng cục đang phối hợp với cơ quan chức năng thống kê số lượng tàu bè nhỏ đang hoạt động ven biển và đề nghị ngư dân kéo tàu vào bờ, neo tàu an toàn để tránh gây thiệt hại hư hỏng tàu.
Đồng thời khuyến cáo ngư dân gia cố, di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản đến khu vực an toàn, kiên quyết không để ngư dân ở lại lồng bè, bắt buộc ngư dân di chuyển đến nơi an toàn.
Về an toàn hồ chứa, miền Bắc có 83 hồ chứa xung yếu, các hồ chứa này hạn chế tích nước, trong đợt này các hồ chứa đặc biệt tăng cường công tác phòng chống khi lượng mưa cơn bão số 4 sẽ từ 200-250mm.
Ông Trần Quang Hoài - Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cảnh báo: Bão số 4 đổ bộ đúng khu vực bão số 2, tuy nhiên gió, cường độ thấp hơn, tốc độ di chuyển chậm nên dễ sinh tâm lý chủ quan. Vì thế các địa phương cần chú trọng neo đậu tàu thuyền, tránh thiệt hại ngay tại khu vực neo đậu; kêu gọi tàu thuyền vào bờ.
Trên đất liền, nhiều địa phương đã xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở do mưa lớn kéo dài, đề nghị các địa phương không được chủ quan, huy động các lực lượng lập chốt canh tại các vùng nguy cơ sạt lở, đồng thời tuyên truyền, cảnh báo liên tục cho bà con đề phòng cao nhất.
Chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Khu vực bão đổ vào có hơn 1.300 hồ chứa lớn vừa và nhỏ, đây là vùng có nhiều hồ chứa nhỏ đã bị sự cố do mưa lớn trong nhiều ngày qua, các địa phương cần hết sức đề phòng, chủ động kiểm tra an toàn hồ chứa để không xảy ra sự cố khi bão số 4 đổ bộ.
Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan dự báo bám sát các dự báo của các trung tâm dự báo quốc tế để thường xuyên cập nhật thông tin về cơn bão số 4 để các địa phương và người dân nắm được và có biện pháp phòng chống, tránh xảy ra những sự cố, thiệt hại đáng tiếc.
"Từ nay đến sáng mai Ban chỉ đạo Trung ương sẽ cân nhắc và quyết định thời điểm cấm biển", Thứ trưởng cho hay.