Bão số 2 làm 1 người chết, 10 thuyền viên mất tích
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng 17/7, TS. Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, khoảng 1h ngày 17/7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh gây gió mạnh cấp 9-10, các đảo ven bờ gió giật cấp 11-12.
Hồi 4h ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 105 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Trong 12h tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc bộ, tiếp tục có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10; sóng biển lên cao từ 3-5m, biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sáng nay còn có gió mạnh cấp 8 giật cấp 9-10.
Ngày 17/7, các tỉnh Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to (50-100mm), mưa ở khu vực Bắc bộ có khả năng kéo dài trong 2-3 ngày tới. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, tính đến 5h sáng ngày 17/7, bão đã làm 1 người chết; 2.751 nhà, quán bị tốc mái, trên 2.000ha vừng bị đổ; 300ha dưa hấu bị ngập, 350ha keo bị đổ và hàng nghìn cây xanh bị đổ. Tính đến 14h ngày 16/7, mưa lớn đã làm sạt lở một số điểm trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ gây ách tắc giao thông. Cụ thể, quốc lộ 48 sạt lở 5 điểm, quốc lộ 16 sạt lở 7 điểm; tỉnh lộ 532 sạt lở 4 điểm. Tỉnh lộ 544 sạt lở 2 điểm, hiện, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông, chính quyền địa phương khắc phục tạm thời đảm bảo giao thông đi lại.
Đáng chú ý, theo báo cáo ngày 17/7 của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, bão số 2 đã làm tàu vận tải VTB 26 (trên tàu có 13 thuyền viên) bị chìm. Tàu chở 4.700 tấn than, neo đậu tại khu vực biển Hòn Ngư, Cửa Lò, Nghệ An.
Hiện nay, đã tìm kiếm được 3 thuyền viên. Bộ tham mưu chỉ đạo Biên phòng Nghệ An tiếp tục phối hợp với cảng vụ Nghệ An, xác minh thông tin, thông báo cho 3 tàu vận tải đang neo đậu ở khu vực trên hỗ trợ tìm kiếm cứu vớt người bị nạn.
Tại Thanh Hóa, ảnh hưởng của mưa bão đã gây ngập úng ở huyện Đông Sơn và Triệu Sơn. Hiện nay, huyện Triệu Sơn đang mất điện toàn huyện do sự cố cây đổ. Trên địa bàn tỉnh, 590 ha lúa bị ngập úng, 743ha ngô, 100ha mía và các loại cây trồng khác bị gãy đổ. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian bão xảy ra, có 18 chuyến bay bị hủy, 4 chuyến xuống chậm do khó khăn hạ cánh.
Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình của mưa lũ, chủ động phòng việc phối hợp với các đơn vị trong quân đội để ứng cứu tại chỗ nếu xảy ra các sự cố sạt lở đất, lũ quét, tai nạn bất ngờ.
Đối với tàu VTB 26 bị nạn, lực lượng quân đội phối hợp với các địa phương cần tích cực điều động tàu cảnh sát biển, lực lượng biên phòng, ven biển khẩn trương tìm kiếm người bị nạn. Qua sự cố này, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa cho rằng, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác cứu hộ cứu nạn ở trên biển, đặc biệt trong việc sử dụng các trang thiết bị cho các thuyền viên đi biển.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương chủ động khắc phục mưa lũ.
Với sự cố chìm tàu VTB 26, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, cần khẩn trương tìm kiếm người bị nạn. Trong đó, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Nghệ An huy động mọi lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người mất tích.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều. Các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão cần tập trung khắc phục hậu quả sau bão, sửa chữa công trình hạ tầng giao thông, điện, công trình cấp nước, công cộng, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân và tập trung chống ngập úng, tiêu nước.