Bão số 2 áp sát đất liền: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh căng mình chống bão
Thuyền đã neo đậu an toàn |
Hà Tĩnh: Hơn 6.000 tàu thuyền và hơn 17.000 lao động đã vào bờ an toàn.
Trưa 16/7, thông tin từ Tiểu ban An toàn nghề cá tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm này, hơn 6.000 tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã nhận được thông tin liên lạc và vào nơi neo đậu tránh bão số 2.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, các đơn vị chức năng tại vùng biển đã khẩn trương kêu gọi, tuyên truyền bằng loa phát thanh, văn bản yêu cầu các tàu, thuyền kịp thời vào nơi neo đậu tránh trú bão.
Tính đến trưa nay, hơn 6.102 tàu thuyền và hơn 17.000 lao động trên tàu đã vào bờ an toàn.
Ngư dân vùng biển Kỳ Anh chằng chéo tàu thuyền an toàn |
Ông Nguyễn Tông Thắng – Phó Tiểu ban An toàn nghề cá tỉnh cho biết: Hiện có 118 tàu thuyền đã vào neo đậu tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và 5.957 tàu thuyền neo đậu ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Ngoài tuyên truyền bằng loa phát thanh đến tận người dân về diễn biến phức tạp cơn bão số 2, khả năng sẽ đổ bộ vào Hà Tĩnh, các cơ quan địa phương cũng đồng thời kiên quyết nghiêm cấm các loại tàu thuyền ra biển khi mưa to, sóng lớn…
“Hiện, lực lượng chức năng đang kêu gọi ngư dân, tàu thuyền vào bờ trú ẩn và dời lịch vươn khơi. Còn một số tàu thuyền chưa kịp về tránh bão thì lực Biên phòng, Cảng biển, chính quyền địa phương phối hợp bắt bộ đàm, báo tín hiệu yêu cầu các tàu cập bến nhanh chóng, có thể tại tỉnh mình hoặc các tỉnh bạn” – ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý cảng biển Cửa Sót cho biết.
Dân hối hả đưa thuyền vào bờ |
“Nghe tin bão số 2, chúng tôi quyết định vào bờ sớm hơn dự định trước một ngày. Mưa dữ dội nên đang đánh bắt thì nhiều ngư dân phải vào bờ cập bến để trú ẩn và bán hải sản. Chờ khi bão tan, ổn định chúng tôi lại vươn khơi”- ngư dân Nguyễn Văn Trung (50 tuổi) cho hay.
Thực hiện công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 2 (Talas), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đang theo dõi sát, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, khu vực nguy hiểm được xác định trong những giờ tới là từ vĩ tuyến 15,5-19.50 độ vĩ Bắc và từ kinh tuyến 109,00 đến 113,50 độ kinh Đông.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các huyện kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các lán trại thi công ven sườn núi, vùng ven sông, ven suối.
Nghệ An: 500 tàu thuyền với hơn 4.000 lao động chưa về nơi trú ẩn an toàn
Tại điểm cầu Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy PCTT tỉnh và ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp khẩn, ông Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiện trên địa bàn có 3.912 phương tiện/18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản; tính đến 6 giờ 30 ngày 16/7/2017 có 386 phương tiện với 2.601 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An; 132 phương tiện với 1.614 lao động đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung; 3.394 phương tiện neo đậu tại bến.
Gần 3.400 tàu thuyền neo đậu tại bến |
Sau khi nhận được tin báo vị trí, hướng đi của cơn bão số 2, các phương tiện đang hoạt động trên đang chủ động tìm nơi trú ẩn an toàn.
UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh trực tiếp xuống địa phương để tham gia chỉ đạo công tác đối phó với bão.
Nghệ An được xác định là trọng điểm của cơn bão số 2 (Talas) nhưng hiện nay vẫn còn 500 tàu thuyền với hơn 4.000 lao động chưa về nơi trú ẩn an toàn, do đó, bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh trước 17h ngày 16/7.
Ngư dân khẩn trương chằng chéo tàu thuyền trước cơn bão có nguy cơ đổ bộ |
Các địa phương, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến bão để chủ động sơ tán, di dời dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ du các hồ đập theo các kịch bản đã xây dựng để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Tập trung xử lý ách tắc giao thông do mưa gây sạt lở, hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người khu vực bị ngập, tràn qua suối, bến đò ngang.
Chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; chỉ đạo, hướng dẫn chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ…
Thanh Hóa: 121 hồ không đảm bảo an toàn
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi các tàu, thuyền đánh bắt trên khu vực vịnh Bắc Bộ vào nơi trú ẩn để tránh bão.
Hiện nay trên địa bàn có 7.375 phương tiện tàu, thuyền hoạt động nghề cá, trong đó có 5.690 phương tiện hoạt động nghề cá trên biển.
Nhà hàng dọc bờ biển vắng khách trước cơn bão số 2 |
Tính đến 9h sáng nay, toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 1.718 phương tiện tàu, thuyền với 8.453 lao động đang hoạt động trên biển và đang liên lạc với đất liền để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa cũng đã lên phương án cùng các huyện, thị, thành phố lập phương án sẵn sàng sơ tán 507.801 hộ dân với 247.867 người ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đồng thời, các huyện miền núi theo dõi chặt chẽ tình hình của bão, thường xuyên liên lạc, kiểm đếm hướng dẫn tàu thuyền đối với khu vực ven biển vào nơi trú ẩn an toàn, các huyện miền núi theo dõi di dời các hộ dân ở khu vực sông, suối có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.
Hiện nay, Thanh Hóa có 610 hồ, đập lớn nhỏ nhưng có tới 121 hồ không đảm bảo an toàn vì vậy các địa phương không được tích nước hoặc hạn chế tích nước tránh gây mất an toàn hồ đập.
Trong sáng 16/7 tại cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đa số các tàu thuyền hoạt động nghề cá đã về nơi trú ẩn an toàn.
Tại bãi biển Sầm Sơn sóng biển lớn, dâng cao và lực lượng chức năng đã thông báo nhưng vẫn có hàng trăm du khách liều mình tắm biển.