Bão mặt trời ngày 17/3 tạo cực quang kỳ ảo khắp thế giới
Theo ông Thomas Berger, giám đốc của Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian ở Boulder, bang Colorado (Mỹ) cho biết, hai đợt plasma từ trường đã phát ra từ Mặt Trời vào ngày 15/3, kết hợp vào nhau và di chuyển đến Trái Đất với cường độ mạnh hơn dự kiến.
Chính quyền các nước đã cảnh báo rằng mạng lưới điện, hệ thống GPS và các thiết bị liên lạc có thể bị gián đoạn, tuy nhiên ông Berger cho biết bão mặt trời lần này không có các tia phóng xạ có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của vệ tinh.
Cực quang ở Narva-Joesuu, phía Đông Bắc Estonia. |
Đây là một cơn bão lớn cấp 4, theo thang đo đạc từ 1-5 về cường độ từ tính của Cục Hải dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA) của Mỹ. Đây là cơn bão mặt trời mạnh nhất đến Trái Đất kể từ mùa thu năm 2013. Lần cuối cùng một cơn bão cực lớn cấp 5 đến Trái Đất là cách đây gần 10 năm trước.
Các nhà nghiên cứu cho rằng bão sẽ đến vào khoảng đêm ngày 17 đến sáng ngày 18, nhưng bão đã xuất hiện vào buổi sáng ngày 17 và còn “mạnh hơn so với dự đoán”.
Bầu trời đầy màu sắc ở bang Oregon (Mỹ). |
Hiện tượng cực quang, thường chỉ có thể được quan sát ở gần cực Bắc, đã kéo dài xuống phía Nam và có nhiều người đã được chứng kiến màn trình diễn đầy màu sắc ở trên trời. Đầu giờ sáng trước khi mặt trời mọc, người ta đã nhìn thấy cực quang ở phía Bắc nước Mỹ bao gồm các bang Washington, Bắc Dakota, Nam Dakota, Minnesota và Wisconsin.
Cực quang cũng có thể thấy ở Estonia và bang Alaska, trong khi các nhà nghiên cứu cho biết cũng có khả năng cực quang xuất hiện ở phần lớn địa phận nước Nga và phía Bắc châu Âu, trải dài đến tận phía Nam nước Đức và Ba Lan.
Cực quang cũng xuất hiện ở Nam Bán Cầu. Đây là hình chụp ở Dunedin, New Zealand. |
Ở Nam Bán Cầu, cực quang cũng xuất hiện ở Dunedin, New Zealand và nhiều địa điểm ở Australia, bao gồm Perth và Goulburn.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.