Bạo hành y tế: bác sĩ phải cởi áo Blouse ra để giải quyết
Ảnh minh hoạ. |
Mang bức xúc vào phòng cấp cứu
Tại buổi tọa đàm về “Nhức nhối nạn bạo hành nhân viên y tế” do báo Sức khỏe đời sống tổ chức, theo TS.BS Lê Tư Hoàng - Phó trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Việt Đức hiện nay tình trạng bức xúc và biến cái bức xúc thành hành động vi phạm pháp luật là đánh người không chỉ đối với ngành y mà hiện nay chúng ta thấy nhức nhối và lan tràn ngoài xã hội.
Người ta biến cái bức xúc thông thường trong cuộc sống thành những hành động bạo lực, nó len lỏi khắp các ngõ ngách của cuộc sống trên phố, lối xóm, vi phạm giao thông một chút thì đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Cái nguy hiểm đã lan đến công sở, đối với công an, công sở nhà nước và đặc biệt nó xảy ra trong các bệnh viện.
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa, hằng ngày tiếp đón hàng trăm ca cấp cứu với khoảng 70% tai nạn giao thông, tai nạn đâm chém. Cho nên khi vào viện thì người nhà bệnh nhân và bệnh nhân luôn mang bức xúc sẵn trong lòng, mang bức xúc ngoài xã hội. Chỉ cần một chút không hài lòng thì hành động bức xúc đó được nhân lên.
TS. Hoàng cho biết mọi hành vi, việc làm của nhân viên y tế làm người ta cứ nghĩ như việc phải chờ đợi là có cái gì đó làm người ta có những hành động bức xúc. Nhiều lúc các đối tượng khi vào bệnh viện vẫn tiếp tục truy sát nhau. Việc lăng mạ, xúc phạm nhân viên y tế xảy ra rất nhiều nhưng việc hành hung nhân viên y tế ở Bệnh viện Việt Đức thì xảy ra ít, theo thống kê trong 5 năm gần đây thì không có chủ yếu là các hành vi bộc phát chửi bới, lăng mạ.
Nhân viên y tế không được quyền kháng cự
TS. Hoàng chia sẻ nếu hình dung là một bác sĩ đang cấp cứu người bệnh mà người nhà cứ chửi bới, đe dọa, dùng những từ tục tĩu thô lỗ chửi bới bên tai , là người bình thường cũng rất ức chế.
Tại sao nhân viên y tế không muốn lên tiếng? “Chúng tôi không được trang bị quyền gì để kháng cự trong lúc xô xát, cãi nhau. Xã hội không chấp nhận một người bác sĩ đang mặc áo Blouse cãi chửi nhau với người nhà hay bệnh nhân. Chúng tôi chưa bao giờ có hiện tượng đó. Có những tình huống cán bộ y tế phải cởi áo Blouse ra để giải quyết như 2 cá thể độc lập” – TS Hoàng cho biết.
Hiện nay, tâm lý xã hội thường cho rằng, lỗi là do nhân viên y tế, để bệnh nhân bức xúc, giống như hiện tượng công an bắt người vi phạm giao thông. Người vi phạm thường đổ lỗi cho công an nhưng thực tế việc phạt là đúng. Cũng giống như xã hội bây giờ, khi một sự việc xảy ra ở bệnh viện, người ta thường đặt câu hỏi "không có lửa sao có khói", và nghiễm nhiên là lỗi của nhân viên y tế. Chính vì những áp lực như vậy, người bị hành hung ít khi lên tiếng.
TS. Hoàng cũng cho biết thêm hiện nay Bệnh viện Việt Đức đang thuê 156 nhân viên bảo bệnh viện với mức tiền lương hơn 700 triệu đồng, việc bảo vệ rất chú trọng nhất là phòng cấp cứu luôn có 4 bảo vệ được trang bị dùi cui điện, bộ đàm. Có thể huy động 20-30 bảo vệ đến bảo vệ phòng cấp cứu.
Giữa Bộ Y tế, Bệnh viện Việt Đức và thành phố Hà Nội có ký kết, luôn có 2 đồng chí công an mặc sắc phục ngoài ra còn có lực lượng công an 2 phường sở tại Hoàn Kiếm và lực lược 113. Chỉ sau 5 phút sẽ có lực lượng ứng cứu các sự cố tại Bệnh viện, ngoài ra còn có hệ thống camera và các nút ấn báo động khẩn cấp tại các bàn. Ngoài ra lực lượng bảo vệ có kỹ năng khi có bệnh nhân đến viện mà có nguy cơ cao thì sẽ được các lực lượng bảo vệ kèm bên cạnh không chỉ bảo vệ nhân viên y tế mà còn là bảo vệ bệnh nhân đó.