Bao giờ lại săn được cá khủng...?
LTS: Xưa kia, Vàm Nao (Phú Tân) được lưu danh là khúc sông hung hãn và có nhiều loài dữ, với nhiều giai thoại kỳ bí. Song cũng chính từ dòng sông này đã làm điểm tựa cho biết bao dân nghèo mưu sinh bằng nghề “bà cậu”.
Màn đêm buông! Tiếng nổ máy phành phạch hòa lẫn vào không gian nhộn nhịp của những ngư dân đánh bắt cá bông lau, tạo nên một không khí hối hả hơn bao giờ hết.
Dường như con sông Vàm Nao cũng trở mình thức cùng ngư dân khai thác cá theo con nước. Kéo mành lưới sắp xếp gọn gàng trên xuồng, anh Nguyễn Văn Giang (32 tuổi) chuẩn bị ra khơi. Anh cho biết, cách đây khoảng 5 năm, khúc sông Vàm Nao đoạn gần bến phà Thuận Giang đi qua Chợ Mới, ông anh thứ năm tên Nguyễn Văn Sáng giăng lưới dính được “ông nược” (cá heo nước ngọt) nặng hơn 60kg. Sau đó, sợ “bà cậu” “quở” nên anh Sáng bỏ nghề câu lưới luôn.
Giọng anh Giang chùn xuống: “Sống bằng nghề bà cậu nhiều lúc cũng bạc bẽo lắm! Dính cá nhỏ như cá bông lau, cá cóc, cá sửu thì chẳng nói gì. Thế nhưng, khi dính cá lớn như: Cá hô hay “ông nược” thì ngư dân rất sợ hãi. Trước đây, nghe ông bà kể lại, khúc sông này có rất nhiều “ông nược”, mỗi lần chèo ghe, xuồng ngang kêu “nược đua… nược đua…” là ổng bơi trước đầu xuồng. Cái hôm, anh Sáng giăng dính “ông nược”, dân bợm nhậu xúm lại xin bộ đồ lòng. Còn phần thịt thì bán chẳng ai mua, thấy vậy, sợ quá anh Sáng đem xác “ông nược” đi chôn. Từ đó, anh Sáng đã bỏ nghề cùng gia đình lên Bình Dương làm công nhân…”.
Hiện nay, cá tra dầu “khủng” hiếm gặp ở sông Vàm Nao. |
Hàng chục năm sống bằng nghề “gia truyền”, nhưng khi cá, tôm ít dần thì rất nhiều ngư dân có kinh nghiệm trên sông nước cũng phải giũ lưới lên bờ chuyển nghề. Tám Kỷ, năm nay hơn 60 tuổi, được xem là cao thủ “sát cá” trên sông Vàm Nao. Bởi, lúc còn trẻ, ông cũng từng giăng dính cá hô, cá tra dầu trên 100kg và cá bông lau to. Theo tám Kỷ, nghề giăng lưới cá bông lau do ngư dân người Chăm đến đây khai thác từ rất lâu đời. “Ông nội tôi kể lại, lúc đó ở đây chưa ai biết giăng lưới cá bông lau. Trong một lần, ngư dân người Chăm ghé lại bến bán cá, bà con mới “học” nghề và duy trì cái nghề hạ bạc cho đến nay” - tám Kỷ cho biết. Thế nhưng, hiện nay khi nhắc đến nghề này, tám Kỷ cũng lắc đầu ngao ngán như bao ngư dân khác: “Tính ra, tôi nghỉ đánh bắt cá trên sông Vàm Nao khá lâu. Nghề này thu nhập bữa trúng, bữa thất, không bền vững. Lúc nào còn làm thì còn tiền, nhưng khi lên bờ khô máy chèo thì “cháy túi”. Sống nghề “bà cậu” chẳng ai giàu có gì đâu”.
Chuẩn bị lưới ra khơi. |
Theo Báo An Giang