Bão giá vật liệu, chủ đầu tư và nhà thầu “trở tay không kịp”
Cơn bão kép giá vật liệu và nguy cơ lạm phát tăng cao đang từng bước nhấn chìm các doanh nghiệp xây dựng nếu không tìm được giải pháp hài hòa lợi ích giữa các bên.
Nguy cơ "vỡ trận"
Theo thống kê, việc giá các loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 25% so với đầu năm; trong đó, tăng cao nhất là thép xây dựng đã dẫn đến nhiều hệ lụy, trước mắt là ảnh hưởng đến tiến độ các công trình cũng như sự sống còn của các doanh nghiệp xây dựng.
Doanh nghiệp nhà thầu đang đứng trước cơn bão kép Covid-19 và giá vật liệu tăng cao đột biến
Qua theo dõi, ghi nhận phản ánh của các doanh nghiệp xây dựng cho thấy, từ thời điểm đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng như: sắt, thép trải qua nhiều đợt tăng giá, đợt sau cao hơn đợt trước đã kéo theo các vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát, gạch… tăng giá theo. Đặc biệt, trong tháng 10, giá các loại vật liệu xây dựng lại bước vào đợt tăng giá mới, có những lần điều chỉnh hằng tuần, khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng ở vào thế “trở tay không kịp”.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) chỉ riêng tháng 10/2021, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg thép tùy từng loại…. trong khi trước đó, giá các loại kính cũng tăng hơn 30% so với đầu năm 2021; giá xi măng tăng trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn.
Lý giải cho việc giá các loại vật liệu xây dựng tăng cap thời gian qua, dưới góc độ đơn vị quản lý nhà nước, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đợt tăng giá vật liệu xây dựng lần này do nhiều yếu tố đầu vào tăng. Cụ thể, than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng, nên giá than trong nước tăng 7 - 10%, cùng với giá dầu và một số phụ gia khác dùng trong sản xuất xi măng tăng giá là lý do khiến giá xi măng gần đây tăng, ông Bắc nhận định.
Đối với các doanh nghiệp xây dựng, theo ông Hiệp, hiện tại nhiều chủ đầu tư không phải dùng vốn ngân sách nhà nước và đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng.
Đứng trước việc giá vật liệu liên tục leo thang, nhà thầu trên cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận” do trường hợp bất khả kháng dù đã được nói đến nhiều nhưng thực tế là chưa có quy định cụ thể trong các luật liên quan nên các bên bị thiệt hại thường có khuynh hướng không ưu tiên vận dụng.
Do đó, một số doanh nghiệp nhà thầu xây dựng đang gặp khó khăn khi đàm phán với các chủ đầu tư để điều chỉnh hợp đồng và dường như “bất khả kháng” dù là do COVID-19 hay giá vật liệu tăng cao đột biến vẫn chỉ nằm “trên báo”.
Cần giải pháp căn cơ
Trong bối cảnh hiện nay, trước dự báo lạm phát sẽ tăng cao trong các tháng cuối năm cùng với các gói kích thích kinh tế, Chủ tịch VACC tiếp tục bày tỏ lo ngại về việc nếu không sớm có giải pháp căn cơ thì các doanh nghiệp xây dựng sẽ sớm bị nhấn chìm và thị trường bất động sản cũng sẽ gặp khó khi giá cơ sở tiếp tục tăng cao.
Theo chia sẻ của đại diện một chủ đầu tư dự án nhà ở chung cư cao tầng tại Hà Nội nếu giá sắt thép tăng khoảng 40-50% và các vật liệu khác như xi măng, gạch, cát cũng tăng 10% thì giá bán của sản phẩm đến tay khách hàng nếu giữ nguyên biên lợi nhuận định mức sẽ phải tăng thêm 15-20%, thậm chí 25% so với thời điểm trước bão giá vật liệu xây dựng.
Theo các chuyên gia, trước việc cơn bão kép, giá vật liệu xây dựng đầu vào tăng cáo và đại dịch COVID-19 để có thể cùng tồn tại và vượt qua đại dịch COVID-19 thành công cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các bên.
Giá các vật liệu đầu vào tăng cao được dự báo sẽ đẩy giá nhà tăng tương ứng
Đối với các góc độ quản lý nhà nước, theo Chủ tịch VACC, các doanh nghiệp xây dựng mong muốn sớm có giải pháp bình ổn mặt bằng giá các vật liệu xây dựng cơ bản, ít nhất là ngang bằng với diễn biến giá của thể giới cũng như có chế tài cụ thể trong các văn bản pháp quy liên quan đến những trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh hoặc do giá đầu vào tăng đột biến một cách bất thường như vừa qua.
Đối với góc độ quan hệ giữa các doanh nghiệp, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa luật Dân sự, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằngngoài việc khai thác các quy định về bất khả kháng với những ràng buộc nêu trên, các bên trong hợp đồng xây dựng nên ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ những khó khăn của nhau, tìm ra phương án ít thiệt hại nhất cho nhau.
“Việc ngồi lại với nhau là nên làm và pháp luật cũng có quy định thúc đẩy các bên làm việc đó. Bởi lẽ, BLDS đã quy định ‘cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực’ (khoản 3 Điều 3). Ở đây, yêu cầu về ‘thiện chí’ buộc các bên phải ngồi lại với nhau để tìm ra phương án tốt nhất cho các bên trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19" - PGS Đỗ Văn Đại nêu rõ.
Thị trường bất động sản đang diễn biến 'lạ'
Có phân khúc im lìm suốt nhiều năm, nay bỗng đẩy giá lên, có nơi đất giao dịch ào ào, “chốt” bán 80% lượng hàng chỉ trong một tháng.... Thị trường bất ổn, người mua cũng hỗn loạn... trong bối cảnh đó người quyết mua cũng khá mệt mỏi, đau đầu
Theo DDDN