Báo động trẻ tử vong do sốt xuất huyết
Báo động trẻ tử vong do sốt xuất huyết
Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi đánh giá về tình hình sốt xuất huyết (SXH) 7 tháng đầu năm 2012, tại TP.HCM ngày hôm nay (15/8).
Báo động tình trạng tử vong do SXH ở trẻ em
Theo TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 39.897 trường hợp mắc SXH tại 52 tỉnh/thành phố, tăng 35,3% so với cùng kỳ. Trong đó, các tỉnh vừa có số ca mắc trên 1.000 dân, vừa có số ca mắc cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2011 tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam như: Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Phú Yên, Sóc Trăng.
Đáng báo động, Viêt Nam nằm trong nhóm có tỉ lệ tử vong do SXH cao tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, đứng đầu là Campuchia ghi nhận số ca mắc từ đầu năm đến nay tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ, với 14.284 trường hợp mắc và 57 trường hợp tử vong. Malaysia có 12.518 trường hợp mắc SXH, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và 25 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Việt Nam, tính đến thời điểm này cũng đã ghi nhận 26 trường hợp tử vong.
“Tôi đã tận mắt chứng kiến hầu hết các trường hợp tử vong do SXH này, chủ yếu là trẻ em và nữ giới. Những trường hợp này thường rơi vào những trẻ em rất bụ bẫm, có dinh dưỡng tốt, mới còn đang khỏe mạnh, chơi đùa mà chỉ sau 1 tuần mắc SXH đã tử vong. Dù biết cái chết đang đến gần các em mà cũng đành bất lực không có cách nào cứu chữa. Đến giờ này, vẫn còn nhiều trẻ em đang điều trị tại các bệnh viện sốt ở cấp độ 3, độ 4”, bà Tiến chia sẻ.
Giải thích điều này, ông Dương cho rằng, tất cả các trường hợp tử vong do SXH do nhập viện muộn vẫn còn cao, chiếm đến 40%. Thông thường, các bệnh nhân đã được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện, xã, phòng khám tư nhân trước khi chuyển lên tuyến trên. 100% các ca này đều trong tình trạng nặng, hôn mê và xuất huyết nặng. Đa số tử vong sau 1 tuần điều trị do biến chứng của SXH và suy đa tạng. Do đó, tỉ lệ tử vong ở các tuyến tỉnh và trung ương vẫn còn cao.
Ông Dương cho biết thêm, cả nước lưu hành cả 4 tuýp huyết thanh D1, D2, D3, D4, trong đó cao nhất là D1 với 30%, D2 với 26,4%. Năm 2011, tuýp D4 xuất hiện tại khu vực miền Nam, nhưng sang năm 2012 đã xuất hiện tại 2 khu vực miền Nam và miền Trung.
“Phải phạt thật nặng những nơi nào có lăng quăng”
BS Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết, An Giang là một trong những tỉnh có ca mắc SXH cao, với số ca mắc là 2.686, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân lớn nhất bắt nguồn từ việc vệ sinh môi trường, tiêu diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch đạt hiệu quả không cao, chỉ đạt khoảng 40 – 50%. Trong khi đó, kinh phí từ Bộ Y tế chuyển về không kịp thời khiến cho việc phòng, chống và dập dịch gặp nhiều khó khăn. Hiện, tỉnh An Giang phải sử dụng 600 triệu đồng nguồn kinh phí từ năm 2011 chuyển qua.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, mặc dù đã có Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nhưng không hề có tác dụng gì. Từ trước đến nay, chưa có một vụ xử lí nào liên quan đến việc làm phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, nhiều vùng, nhất là ĐBSCL vẫn giữ thói quen sử dụng lu nước có đặc lăng quăng để trong bếp, thậm chí để trong phòng ngủ. Đến nhắc nhở thì họ nói không làm sao, chỉ đến khi người nhà bị mắc bệnh SXH thì mới đổ lu nước đi thì bệnh đã nặng và “trở tay không kịp”.
“Trong khi, ở Singapo chỉ cần ở gốc cây gần nhà nào mà phát hiện có muỗi là cơ quan chức năng có quyền phạt từ 50 – 100 USD. Còn ở nước ta, dù lu nước có đặc lăng quăng cũng không bị xử lý gì thì dù cơ quan có nỗ lực dập dịch đến mấy thì SXH cũng không bao giờ dập tắt. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất thêm việc xử phạt hành chính vào trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, những phường, xã, tổ dân phố nào còn có lăng quăng, nhẹ thì bị trừ thi đua, nặng thì không công nhận là làng xã văn hóa nữa. Có quyết liệt như vậy mới mong hạ nhiệt bệnh SXH trong những tháng cuối năm”, bà Tiến nói.
Dự báo, bệnh SXH theo chu kỳ hàng năm có nhiều khả năng tăng cao số mắc, tử vong vào các tháng 8, 9, 10 nếu không tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Thúy Ngà