Báo động thiếu nước và nhiễm mặn, Đà Nẵng sẽ xây thêm 2 nhà máy cấp nước
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, hệ thống cấp nước Đà Nẵng hiện lấy nước thô từ sông Cầu Đỏ, tại vị trí cách cửa biển 13km về phía thượng lưu. Đây là nguồn cấp nước chính, chiếm 98% lượng nước cấp cho TP. Dawaco hiện có 04 cơ sở sản xuất nước với tổng công suất thiết kế 210.000m3/ngày đêm.
Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng báo cáo với Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh tình hình thiếu nước và nhiễm mặn tại nhà máy nước Cầu Đỏ (Ảnh: HC) |
Báo cáo với Bí thư Thành ủy, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho biết thêm, trong 7 năm từ 2000 – 2007 (trước khi có thủy điện ở phía thượng nguồn), chỉ có 26 ngày nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn (trừ năm 2001 sông Vu Gia bị cắt dòng tại Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam). Trung bình mỗi năm có 3,7 ngày bị nhiễm mặn. Nhưng từ khi có thủy điện hoạt động (năm 2008) thì có tới 661 ngày nhà máy nước này bị nhiễm mặn.
Như vậy trong 7 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có 77,8 ngày nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, gấp đến 21 lần so với điều kiện tự nhiên không có thủy điện. Và kể từ khi thủy điện ĐăkMi 4 đi vào hoạt động năm 2012 đến nay thì có tới 588 ngày nhà máy nước này bị nhiễm mặn. Trung bình mỗi năm có đến gần 131 ngày, gấp 35 lần so với điều kiện tự nhiên trước đây.
Bên cạnh đó, từ sau năm 2010, hạ lưu sông Vu Gia luôn bị thiếu nước trong tất cả các mùa cạn. Đặc biệt có năm bị thiếu nước, nhiễm mặn ngay cả trong mùa mưa (tháng 11 – 12/2012). Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, tại nhà máy nước Cầu Đỏ đã có 82 ngày bị nhiễm mặn, phải vận hành trạm bơm dự phòng cấp nước thô An Trạch, tốn kinh phí gần 3 tỉ đồng.
“Trong mùa hè này đảm bảo nước sinh hoạt cho TP chứ?” – ông Nguyễn Xuân Anh hỏi. Ông Nguyễn Trường Ảnh trả lời: “Hiện nay thì đủ, nhưng không biết trong suốt mùa hè này, các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn có còn nước để xả xuống bớt không, vì năm vừa rồi gần như không có mưa nên họ tích nước không đủ. Trước mắt, các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn có nguy cơ thiếu nước cao nhất. Sang năm, Đà Nẵng sẽ đăng cai APEC 2017 mà Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn thiếu nước thì sẽ rất gay!”.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Trường Ảnh đề nghị Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ban, ngành của TP phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương... để đảm bảo ổn định nguồn nước thô tại đập An Trạch và Nhà máy nước Cầu Đỏ; đồng thời đề nghị Điện lực Đà Nẵng duy trì ổn định nguồn điện cho các nhà máy nước.
Ông Nguyễn Xuân Anh kiểm tra các chỉ số đo tự động về độ mặn, độ pH, Clo... đối với chất lượng nước tại nhà máy nước Cầu Đỏ (Ảnh: HC) |
Về lâu dài, Dawaco đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng cho nghiên cứu phương án xây dựng đập ngăn mặn sau cửa thu của Nhà máy nước Cầu Đỏ để hạn chế xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước từ biển cũng như tận dụng khai thác lượng nước của hai nguồn sông Yên và sông Túy Loan. “Để xây dựng đập ngăn mặn này, khả năng phải tốn khoảng 200 – 250 tỉ nhưng cũng nên chuẩn bị phương án ngay từ bây giờ để có thể đón đầu khi có các dự án hỗ trợ như chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu...” – ông Nguyễn Trường Ảnh nói.
Theo ông, đường ống dẫn nước từ đập An Trạch về trung tâm TP có phần hạn chế nên nếu nhu cầu sử dụng nước tiếp tục tăng thì năm tới sẽ rất khó khăn. Để tăng công suất cấp nước cho Đà Nẵng, Dawaco đề nghị lãnh đạo TP cho xây dựng nhà máy nước Hòa Trung công suất 10.000 – 15.000m3/ngày, cũng như sớm triển khai dự án nhà máy nước Hòa Liên (lấy nước trên sông Cu Đê) công suất 120.000m3/ngày giai đoạn 1 và lên 240.000m3/ngày trong giai đoạn tiếp theo.
Sau khi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Xuân Anh cho hay, hiện nhu cầu nước sinh hoạt của Đà Nẵng là 225.000m3/ngày đêm và trong tương lai sẽ lên đến 400.000m3/ngày đêm. Do đó, việc xây dựng thêm các nhà máy nước để đảm bảo nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt cho TP là rất cần thiết. “Nước là quan trọng nhất. Không có điện còn chịu được chứ không có nước là thua luôn!” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo ông, TP Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý tiếp nhận 30 triệu USD của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cho nhà máy nước Hòa Liên nhằm giảm giá thành của dự án và có thể thực hiện lộ trình tăng giá nước như HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua. Đổi lại, các nhà đầu tư của Nhật Bản sẽ được cho tham gia vào dự án này.
“Hiện phía Nhật cũng đang triển khai các bước chuẩn bị, tuy nhiên dự án còn phải qua các thủ tục liên quan tới các Bộ, ngành TƯ nữa chứ không chỉ TP Đà Nẵng. Dự kiến phải tới năm 2020, nhà máy nước Hòa Liên mới có thể đưa vào khai thác. Do đó, việc đầu tư sớm nhà máy nước Hòa Trung là rất cấp thiết. Kinh phí xây dựng nhà máy nước này khoảng 80 tỉ đồng. TP đã có chủ trương xã hội hóa và sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng trong thời gian sớm nhất!” – ông Nguyễn Xuân Anh cho hay.