Báo động nhiều người trẻ bị điếc do đeo tai nghe trong thời gian dài
Ảnh minh họa |
Đó là nhận định của bà Suchitra Prasansuk, Chủ tịch Hội Thính học thế giới tại Hội nghị Thính học quốc tế lần thứ 19 năm 2018 được tổ chức tại TP.HCM ngày 24/9.
Theo bà Suchitra Prasansuk, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2010 trên thế giới có khoảng 250 triệu người bị điếc, giảm thính lực và con số này tăng lên khoảng 360 triệu người vào năm 2015. Hiện trung bình cứ 6 người thì có một người gặp vấn đề về thính giác.
4 nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về thính giác là điếc bẩm sinh, điếc do thuốc, điếc do bệnh viêm tai giữa và điếc do tiếng ồn, trong đó đặc biệt lưu ý đến điếc do tiếng ồn.
“Xã hội càng phát triển càng tạo ra nhiều tiếng ồn ảnh hưởng đến sức nghe của con người. Đặc biệt, thói quen đeo tai nghe (headphone) trong thời gian dài của người trẻ là nguyên nhân khiến cho số lượng người bị giảm thính lực ngày càng tăng”, bà Suchitra Prasansuk cho hay.
Tại các bệnh viện nhi đồng, phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, trẻ đi khám vì giảm thính lực liên quan đến headphone ngày càng đông, chủ yếu ở độ tuổi đi học. Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận bệnh nhi N.T.C.A (học sinh lớp 4, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM). Lý do là việc học hành của A. bị ảnh hưởng do em viết chậm, sai lỗi chính tả khi giáo viên đọc bài cho cả lớp chép; nói chuyện thì phải lớn tiếng em mới nghe được.
Qua điều tra bệnh sử, các bác sĩ phát hiện A. bị giảm thính lực là do tác động âm thanh từ bên ngoài trong một thời gian dài. Người nhà cho hay A. có thói quen dùng headphone mỗi lần xem phim, nghe nhạc và thính lực em bị giảm lúc nào thì gia đình không hay biết.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, trong cấu trúc tai người, tế bào lông ở tai trong (khoảng 16.000 tế bào) là bộ phận quan trọng nhất để nhận, truyền tín hiệu âm thanh vào não. Tế bào lông rất dễ bị tổn thương nếu chịu tác động bởi âm thanh kéo dài với cường độ quá lớn. Việc thường xuyên nghe nhạc, chơi game... với cường độ âm thanh dồn dập rất dễ bị điếc sớm do tế bào lông bị tổn thương. Chưa kể, về lâu dài còn dẫn đến rối loạn thần kinh như suy nhược, trầm cảm, mất ngủ... do não bị tác động mạnh.
Thông thường, tai người có thể tiếp nhận được cường độ âm thanh tối đa 90 decibel (dB). Nếu có tác động âm thanh lớn đột ngột từ 120 dB đến 140 dB thì tai có thể bị điếc ngay lập tức. Một khảo sát của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cách đây chưa lâu cho thấy trong số bệnh nhân bị điếc đột ngột có hơn 40% là thanh niên (tuổi từ 16 đến 30).
Theo các chuyên gia, để tránh nguy cơ điếc sớm, nên kiểm soát thói quen nghe headphone. Âm lượng khi nghe headphone nên điều chỉnh nhỏ hơn 2/3 mức cho phép, tức khoảng 60-70 dB. Nếu nghe âm thanh lớn hơn (90-100 dB) sẽ làm tổn thương ốc tai. Việc đeo tai nghe khi ngủ cũng gây tác hại không ít. Bệnh điếc thường diễn biến âm thầm trong một thời gian dài, đến khi phát hiện thì rất khó hồi phục .
Theo bà Suchitra Prasansuk, giảm thính lực và điếc là một dạng khuyết tật nặng nhưng lại không được quan tâm đúng mức, thậm chí bị bỏ quên. Trước đây những người bị mắc các khuyết tật này còn bị gọi là mắc bệnh tâm thần, chậm phát triển, dẫn đến nhiều người bị cô lập và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.