Báo động căn bệnh có thể tử vong chỉ từ một vết loét nhỏ
Sốt do mò đốt có các triệu chứng gần giống như cảm cúm, sốt phát ban, sốt xuất huyết do đó thường bị chẩn đoán nhầm là bệnh sốt rét, thương hàn, nhiễm trùng huyết hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân...
Nếu không được điều trị kịp thời bệnh sốt mò có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng suy đa tạng trong đó có suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và tử vong.
Bệnh nhi đang điều trị tại BV Sản Nhi Quảng Ninh |
Tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho hay, thời gian gần đây liên tiếp tiếp nhận các trường hợp trẻ sốt nhập viện do mò đốt.
Trường hợp trẻ Nguyễn Huy T.(10 tuổi), nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến 10 ngày nay, trẻ sốt từng cơn, đã uống thuốc kháng sinh không đỡ được gia đình cho nhập viện.
Qua thăm khám bác sĩ phát hiện một vết loét đóng vảy đen điển hình do ấu trùng mò đốt ở vùng nách, kích thước 5x10mm. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị Nhiễm khuẩn huyết/Theo dõi bệnh do Rickettsia và chỉ định nhập khoa Hồi sức cấp cứu điều trị.
Bác sỹ Dương Văn Linh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, sốt do mò đốt là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây ra qua vật trung gian là ấu trùng mò.
Vết đốt chỉ nhỏ như đầu đũa nhưng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng |
Mò thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, nơi có bóng râm hoặc trong hang đá. Ấu trùng mò thường chọn đốt vào những vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ, rốn, mi mắt...
Do vết đốt không đau nên người bệnh thường không chú ý. Sau khi bị đốt từ 6-12 ngày, bệnh nhân bắt đầu phát bệnh. Người bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, da và mắt thường xung huyết, có thể có ban đỏ trên da. Lúc đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, sau đó vết đốt đóng vảy đen và khi bong vảy tạo thành vết loét nhỏ lõm như đáy giếng.
Đáng ngại, sốt do mò đốt có các triệu chứng gần giống như cảm cúm, sốt phát ban, sốt xuất huyết nên rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác, do đó, thường bị chẩn đoán nhầm là bệnh sốt rét, thương hàn, nhiễm trùng huyết hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân...
BS Linh cảnh báo, nếu không được điều trị kháng sinh sớm và thích hợp, bệnh sốt mò có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng suy đa tạng trong đó có suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và tử vong.
Bệnh sốt do mò đốt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh do đó các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh bệnh, người dân hạn chế đi vào vùng bụi rậm, cỏ thấp, vùng đất ẩm, vách núi, hang động. Khi đi vào những khu vực nghi có nhiều ấu trùng mò nên mặc quần áo dài, buộc kín gấu quần, mang tất tay, tất chân, ủng.
Vì vậy, ấu trùng mỏ đỏ có mặt khắp nhiều nơi nhất là vùng đất ẩm, ướt. Mọi lứa tuổi đều thụ bệnh nhưng chủ yếu bệnh phân bố ở lứa tuổi lao động. Do đó, bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, dân sinh sống ở bìa rừng núi (80,5%), hiếm ở thành thị.
Ở Việt Nam, bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, đây là những tháng mưa có độ ẩm cao, điều kiện để ấu trùng mò phát triển.
Ấu trùng mò bị nhiễm vi khuẩn R. orientalis (R. tsutsugamushi) khi hút máu vật chủ có mang mầm bệnh, sau đó ấu trùng mò phát triển thành mò trưởng thành và đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh và sẵn sàng hút máu (mò có thể truyền mầm bệnh qua trứng đến đời thứ 3). Những con ấu trùng đời sau này sẽ làm lây nhiễm cho các con vật khác và người khi đốt và hút máu. Như vậy mò vừa là vật chủ, vừa là vật chủ trung gian truyền bệnh. Quá trình nhiễm trùng được duy trì trong tự nhiên giữa mò và các loài gặm nhấm... Mò đốt và hút máu người, truyền vi khuẩn R.orientalis sang người chỉ là một sự ngẫu nhiên. Ấu trùng mò bám vào da của người, đi đến vùng da ẩm, nhiều mồ hôi (bẹn, quanh vùng hậu môn, rốn, nách, vành tai…). Ở đó ấu trùng mò làm tổn thương da thành vết loét (thường là một vết loét) và gây bệnh cho người do ấu trùng mò đỏ mang theo.
N. Huyền