"Bão" chứng khoán thổi bay nghìn tỷ của các đại gia Việt
Một loạt “ông lớn” niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố lãi lớn trong quý 3/2020, nhưng thị trường phiên 28/10 vẫn bị "bão" quét qua do tác động từ thị trường chứng khoán thế giới.
Trong ngày 28/10, hai doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup và có ảnh hưởng lớn đến VN-Index là Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) công bố kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng. Trong khi VHM báo lãi sau thuế công ty mẹ đạt 16.337 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, VRE công bố lợi nhuận sau thuế quý 3/2020 đạt 572 tỷ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tăng 67% so với quý trước.
Tuy nhiên, cơn "bão" giảm giá của thị trường chứng khoán thế giới đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong nước khiến VN-Index mất đi 25,42 điểm (2,69%) còn 921,05 điểm sau khi kết thúc phiên 28/10. Nhóm cổ phiếu trụ cột tiếp tục bị bán ra và gần như toàn bộ đều giảm.
Như VIC của Vingroup giảm 5,2%, VCB của Vietcombank giảm 2,1%, VHM của Vinhomes giảm 2,6%, BID của BIDV giảm 3,4%, VNM của Vinamilk giảm 2%, VRE của Vincom Retail giảm 5,6%, HPG của Hòa Phát giảm 3,2%, CTG của Vietinbank giảm 2,8%, TCB của Techcombank giảm 3,9%, VPB của VPBank giảm 4,7%...
Như vậy, chỉ sau 1 phiên hôm qua, loạt tỷ phú chứng khoán đã bị “bão” quét qua và thổi bay hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sụt giảm 10.542 tỷ đồng, còn 192.062 tỷ đồng trong khối tài sản tại Vingroup.
Đứng thứ hai trong danh sách những người giàu nhất sàn, ông Hồ Hùng Anh cũng bị “thổi bay” 505 tỷ đồng khi cả MSN và TCB cùng giảm giá. Hiện giá trị cổ phiếu của Chủ tịch Techcombank tại TCB và MSN còn 22.148 tỷ đồng.
Đứng sau đó là nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khi tài sản giảm 157 tỷ đồng, còn 21.857 tỷ đồng sau khi cả HDB và VJC cùng giảm giá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, cũng đánh mất 700 tỷ đồng, còn lại 21.688 tỷ đồng, chủ yếu do MSN giảm 2,1% về thị giá.
Vẫn ở top 5 người giàu nhất sàn, tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát Group, cũng bị "bốc hơi" 700 tỷ đồng, còn 21.280 tỷ đồng trong khối tài sản tại HPG.
Trước đó, Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng khi tốc độ tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận tiếp tục được duy trì nhờ chiếm thị phần thép xây dựng, sản lượng thép dài tăng mạnh và bắt đầu sản xuất HRC.
Kết quả này đã khiến cho Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phải điều chỉnh tăng dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2020 của Hòa Phát lên mức lần lượt 91.946 tỷ đồng (tăng 42,2% so với năm 2019) và 11.989 tỷ đồng (tăng 59,3%), so với số dự báo gần nhất của BVSC là 82.915 tỷ đồng doanh thu và 9.606 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Thậm chí, BVSC còn mạnh dạn dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Hòa Phát lần lượt đạt 111.560 tỷ đồng (tăng 21,3)) và 14.480 tỷ đồng (tăng 20,8%) nhờ sản lượng HRC tăng lên 2,7 triệu tấn và sản lượng thép xây dựng đạt 4 triệu tấn (thị phần khoảng 37%).
Hiền Anh
Bất chấp "bão dịch", lợi nhuận Vinhomes, Vincom Retail vẫn tăng
Bất chấp dịch bệnh, kết thúc quý 3/2020, Vinhomes, Vincom Retail của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn tăng trưởng.