Báo chí thế giới: Đã qua rồi thời "khóc than, kể khổ'
Con số doanh thu từ các nguồn "điện tử" của NYT (theo một báo cáo cách đây chừng nửa năm) ấn tượng đến mức, nếu nhìn vào đây, không ai còn cần phải lo lắng gì cho tương lai của báo chí thế giới nữa: 360 triệu USD/năm từ riêng môi trường Internet, trong đó có khoảng 200 triệu USD doanh thu từ quảng cáo (tương đương mức doanh thu của năm trước đó) và 150 triệu USD từ nguồn thu “bán báo điện tử”.
Giả sử doanh thu từ việc bán báo điện tử tiếp tục tăng trưởng khi New York Times sẽ sớm công bố các gói thuê bao mới trong tháng 4 này, tổng doanh thu của New York Times sẽ sớm chạm ngưỡng 400 triệu USD, chỉ tính riêng cho lĩnh vực nội dung kỹ thuật số.
Chỉ tính riêng doanh thu từ quảng cáo trên các ấn bản điện tử và tiền đăng ký trả tiền đọc báo trực tuyến, New York Times đã thu về khoảng 360 triệu USD/năm. (Ảnh minh họa) |
Vậy vì sao điều này khiến ngành báo chí thế giới phấn chấn và lạc quan? Bởi vì mức doanh thu 400 triệu USD thực sự là một con số đáng mơ ước của bất cứ đơn vị kinh doanh kỹ thuật số nào. Nó đủ sức để chống lưng cho một tòa soạn lớn và với đội ngũ các nhà báo tài năng.
Con số 400 triệu USD này đã đủ để người ta tính toán rằng, cho dù bản báo in của New York Times (NYT), thứ đang mang về phần rất lớn doanh thu cho NYT (hơn 2 tỷ USD mỗi năm), có phải ngưng bản ngay ngày mai, công ty chủ quản của NYT vẫn dư sức để duy trì hoạt động của một tòa soạn chất lượng "đẳng cấp thế giới" từ chính nguồn thu này.
Đặc biệt, theo tính toán sơ bộ giả định, NYT đang có lãi lớn.
Với mức doanh thu giả định sẽ đạt 400 triệu USD, các khoản chi phí trực tiếp cho việc làm báo sẽ hết khoảng 130 triệu USD (33% doanh thu), chi phí kỹ thuật, bán hàng và quản lý khác hết 200 triệu USD (50% doanh thu), mức lợi nhuận ròng thu về vấn xấp xỉ 17%, tương đương 70 triệu USD.
400 triệu USD doanh thu mà có đên 70 triệu USD tiền lãi ròng, đó thực sự là một thương vụ “hái ra tiền”.
Và quan trọng nhất, đó là một thương vụ mà người ta có thể “vung tay quá trán” một chút, chi đến 130 triệu USD mỗi năm cho việc săn lùng và sản xuất những bài báo đáng “đồng tiền bát gạo” để phục vụ độc giả.
130 triệu USD là một số tiền đủ nhiều để sản xuất “cả núi” những ấn phẩm báo chí điện tử chất lượng cao. 130 triệu USD đủ để hỗ trợ cho các văn phòng báo chí quốc tế để giúp xóa nhòa phạm vi giữa các quốc gia, đưa tin bao quát về các nền chính trị. Và đưa tin chiến sự, những sản phẩm báo chí điều tra xuất sắc, các bản tin video, các tác phẩm báo ảnh…
Một tổ chức báo chí có 130 triệu USD thừa sức thuê cho mình khoảng 850 nhà báo, biên tập viên, nhà sản xuất, phóng viên ảnh, nhà báo hình… với mức lương trung bình mỗi người khoảng 150.000 USD/năm.
Hãy lạc quan về tương lai của báo chí thế giới, đặc biệt là báo chí điện tử |
850 nhà báo, đó là một con số ấn tượng, một tương lai huy hoàng cho bất cứ hãng báo chí nào.
Và đương nhiên lĩnh vực điện tử của New York Times chỉ là một trong số nhiều tên tuổi kinh doanh trong ngành nội dung số của trên khắp thế giới. Vậy có lý do gì để cho rằng tương lai của báo chí còn chưa tươi sáng?
Nhưng, hãy chờ một chút, một số liệu gần đây cho thấy rằng, trên thực tế New York Times hiện đang là mái nhà chung của khoảng 1.100 nhà báo.
Mảng điện tử của NYT sẽ không định giữ nguyên số lượng nhà báo lớn như vậy. Bộ phận phụ trách nội dung của phần bản in NYT sẽ phải cắt giảm nhân sự, đó là một xu hướng tất yếu.
Đó không phải là một tin gì quá mới mẻ hay bất ngờ, thu hẹp báo in là việc bắt buộc phải làm không chỉ riêng ở NYT mà còn ở tất cả các hãng thông tấn, tin tức khác, đó là tình hình chung hiện nay.
Thông tin này có thể khiến các nhà báo đang làm việc ở bộ phận phụ trách bản in của NYT phải lo lắng nhưng tờ Business Insider lạc quan cho rằng, việc lo lắng ấy hơi “thừa”. Các nhà báo của New York Times sẽ có nhiều cánh cửa để gõ nếu họ từ bỏ sự nghiệp ở NYT, trong đó có Bloomberg hay Reuters và rất nhiều những dự án báo chí điện tử đang nở rộ khác.
Có thể, tương lai của báo in đang ngày càng mờ mịt, nhưng, điều đó không phản ánh gì nhiều về tương lai của báo chí thế giới.
Sự phát triển không ngừng của công nghệ kỹ thuật số và công nghệ thông tin đang tạo ra những cơ hội vàng cho báo chí. Và nhìn từ góc độ này, rõ ràng tương lai của báo chí đang rất sáng lạn.