Báo chí miêu tả rùng rợn các vụ trọng án có tiếp tay cho tội ác?
TS. Phạm Hương Trà |
TS. Trà cho rằng: "Hiện nay không chỉ riêng đối với những vụ thảm sát mà một số nội dung khác báo chí cũng miêu tả khá chi tiết những đặc điểm theo tôi là không cần thiết, đặc biệt những vấn đề liên quan đến đời sống riêng tư của các ngôi sao. Chẳng hạn như việc cô ca sĩ cho con tè vào túi nôn cũng tràn lan trên các trang báo mạng, hay đơn giản như tư thế của một cô hoa hậu ngủ trên máy bay cũng được cộng đồng mạng rồi một loạt báo chí mổ xẻ, săm soi…".
Theo TS. Trà thì với việc phản ánh những vụ thảm sát được đăng tải trên một số báo điện tử hiện nay cho thấy các tờ báo vẫn chủ yếu chú trọng đến tính chất nóng hổi và mức độ nghiêm trọng ở bề nổi của sự việc, nhiều cụm từ dạng “báo động”, “hãi hùng”, “đáng sợ”, “nguy hiểm”… liên tục xuất hiện vô hình chung làm hoang mang, khủng hoảng, lo lắng cho người đọc khiến họ cảm thấy trước mắt họ là những nguy cơ luôn rình rập. Điều này có thể tạo ra những dư luận xã hội đánh giá thấp nhân cách con người trong thời đại hiện nay.
“Cứ đưa liên tục đưa tin bắt cóc, bị giết chỉ vì một cái dây chuyền …như vậy có thể sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của người dân khi nhìn về các nhóm xã hội. Đặc biệt là thanh niên - họ có hành động vô tổ chức, có rất nhiều hành vi man rợ, học theo nhiều trào lưu mà từ trước đến giờ không phải là chuẩn mực đạo đức của đời sống người dân Việt Nam, khiến mọi người nhìn cuộc sống không còn tươi đẹp, xã hội đầy bất trắc, khó thể tin tưởng được ai… Các bậc phụ huynh còn hạn chế tối đa việc cho con ra đường một mình” – TS Trà nhấn mạnh.
Về câu hỏi "phải chăng báo chí đã tiếp tay cho tội ác", TS Trà cho rằng, cũng không hẳn là như vậy, bởi xét về lý thuyết thì báo chí đưa càng nhanh, càng chi tiết về một sự việc càng thuyết phục bạn đọc. Điều này phù hợp với đặc điểm của báo điện tử là thông tin cần cập nhật nhanh, thường xuyên.
Tuy nhiên nếu người viết không chú ý cái ẩn đằng sau của thông điệp mà chỉ nhăm nhăm giật tít làm tăng sự nghiêm trọng của vấn đề, tập trung quá nhiều vào việc miêu tả các chi tiết giết người man rợ… có khi lại đi theo hướng tiêu cực mà nhà truyền thông không lường trước được.
Thêm nữa, qua phân tích một số chủ đề được phản ánh trên báo điện tử Việt Nam hiện nay thì thể loại tin, bài phản ánh chiếm phần lớn. Do vậy, báo chí, đặc biệt là báo điện tử bên cạnh việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ (nhưng không quá đi sâu vào miêu tả các chi tiết gây rùng rợn, man rợ theo kiểu miêu tả nạn nhân bị chém thành mấy khúc, chết trong tư thế lõa thể…), nóng hổi nên có thêm những bài phân tích, bình luận sâu hơn về sự việc. Cần có những bài viết đi kèm với nó là những thông tin liên quan tới phổ biến kiến thức pháp luật hoặc đăng kèm hình thức xử phạt đối với tội danh được quy định trong các văn bản qui phạm pháp luật của Việt Nam hoặc có thông tin phân tích từ phía các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Mỗi loại hình có một đặc thù, tiêu chí khác nhau nhưng mỗi nhà báo đưa tin cần lưu ý tới vai trò định hướng dư luận xã hội…Trong nội dung bài viết cần mang tính cảnh báo, giáo dục hợp lý, thu hút công chúng song không quá mức vì có thể khiến hiện tượng đơn lẻ, điển hình (nhưng không phổ biến, đại diện) - như một số trường hợp giết người “man rợ” như báo chí đã đăng trong thời gian vừa qua – có thể gây tâm lý bi quan hoặc bất an trong công chúng và xã hội.