Bank of America: Chứng khoán Trung Quốc sẽ giảm 30% trong năm 2016
Ngân hàng này cho rằng Chỉ số Shanghai Composite sẽ giảm 27%, tức là mất khoảng 2.600 điểm đến cuối năm 2016.
David Cui, trưởng nhóm chiến lược đầu tư cổ phiếu Trung Quốc của Ngân hàng, nhận định rằng ông không mấy lạc quan vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và Bắc Kinh sẽ phải gánh hậu quả vì các yếu tố đòn bẩy đã bị rút ra trong một khoảng thời gian quá ngắn. Đối với Trung Quốc, nước từng tận hưởng sự phát triển quá nhanh của nợ công so với quy mô nền kinh tế, lần này cũng không có gì khác.
Chứng khoán Trung Quốc đỏ rực những ngày đầu năm mới. Nguồn: Bloomberg |
Ông Cui phân tích: “Theo lịch sử, quốc gia nào có nợ tăng trưởng với tốc độ nhanh như vậy chắc chắn sẽ gặp phải các vấn đề về hệ thống tài chính, bao gồm đồng tiền mất giá, tỷ lệ lạm phát cao, hệ thống ngân hàng bấp bênh và chúng ta không hy vọng Trung Quốc là một ngoại lệ. Tôi cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đã có thể duy trì được sự ổn định trên toàn hệ thống trong vài năm vừa qua là nhờ nhiều loại bảo lãnh ngầm khác nhau nhưng điều đó cũng có nghĩa là hệ thống tài chính này cũng rất mong manh, dễ vỡ”.
Theo ông Cui, tình trạng mong manh nói trên là do các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã sẵn sàng đánh đổi những mất mát dài hạn để lấy sự tăng trưởng ngắn hạn. Ông cho rằng thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc rất đắt đỏ, đó là loại cổ phiếu chỉ lưu hành trong thị trường chứng khoán nội địa, phát hành bằng đồng nhân dân tệ và không dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Và nếu như loại bỏ các cổ phiếu ngân hàng thì giá còn cao hơn nữa, ông Cui cảnh báo.
Tuy nhiên, một điều rõ ràng rằng vẫn còn nhiều lực đẩy có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán và khiến dự đoán về sự suy thoái của các chuyên gia bị lung lay. Những biện pháp đó bao gồm hoạt động bơm thanh khoản của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, chính sách hạn chế cổ đông lớn thoái vốn, trực tiếp mua vào các cổ phiếu của những quỹ trực thuộc nhà nước cũng như có một quy định “bất thành văn” rằng chính phủ sẽ không bao giờ cho phép tình trạng vỡ nợ xảy ra.
Song, ông Cui cho rằng những biện pháp chống lưng trên có thể có lợi trong thời gian trước mắt nhưng chỉ cần chính phủ Trung Quốc ngừng một trong các chính sách trên hoặc khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường thì hệ thống tài chính của nước này có thể bị tổn hại nghiêm trọng.
“Chúng tôi tin rằng yếu tố dễ bị tổn thương nhất là đồng nhân dân tệ, theo sau là thị trường cổ phiếu loại A, tình trạng vỡ nợ và giá nhà đất. Bất kỳ một yếu tố nào sụp đổ cũng dẫn đến tình trạng “lây lan” sang các hệ thống khác”, ông Cui nói.
Một chuyên gia khác của Bank of America là David Woo cũng dự đoán, 2016 sẽ là năm đánh dấu “cuộc đại ly hôn” giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ được phản ánh rõ rệt qua tỷ giá.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.