Bánh chưng ngày Tết: Đừng mua bánh có lớp vỏ ngoài xanh mướt
Trên bàn thờ của mỗi gia đình trong ngày Tết sẽ không thể thiếu được những chiếc bánh chưng truyền thống. Tuy nhiên cuộc sống bận rộn khiến cho nhiều gia đình ở thành phố không có thời gian để tự làm bánh nên thường mua bánh được bán sẵn.
Đại diện Cục An toàn Thực phẩm ( Bộ Y tế) vừa đưa ra khuyến cáo các bà nội trợ nên lưu ý một số điểm sau khi mua bánh chưng Tết:
Nên chọn mua bánh chưng ở các cửa hàng bán - gói bánh nổi tiếng, có uy tín.
Không nên chọn mua bánh chưng có lớp vỏ ngoài màu xanh mướt hoặc có màu ánh tím vì lá dong khi luộc bằng phương pháp truyền thống qua 8 – 10 giờ đun nấu thường ngả sang màu vàng, không thể xanh mướt được.
Ngoài bánh chưng xanh truyền thống, hiện trên thị trường còn có các loại bánh chưng cốm, bánh chưng gấc đỏ, bánh chưng đen (còn gọi là bánh chưng cẩm).
Dù mới lạ nhưng khi chọn mua những loại bánh chưng này người tiêu dùng cũng nên tìm địa chỉ uy tín, vì không ít trường hợp để bánh có màu như ý, người làm đã sử dụng các loại phẩm màu không an toàn cho sức khỏe.
Vậy làm thế nào để phân biệt được màu tự nhiên và màu hóa học ?
Theo PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội thì phẩm màu tự nhiên: Là các chất màu được chiết xuất hoặc chế biến từ nguyên liệu hữu cơ (thực vật, động vật) sẵn có trong tự nhiên.
Ví dụ, Quả gấc dùng đồ xôi có màu đỏ rất đẹp, ăn thơm ngon bổ dưỡng. Củ nghệ có màu vàng thường dùng để nấu món “bún chân giò dọc mùng”, màu Caramen được chế biến từ đường...
Phẩm màu tổng hợp hoá học: Là các phẩm màu được tạo ra bằng phản ứng tổng hợp hoá học. Ví dụ Amaranth (đỏ), Brilliant blue (xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)...
Phẩm màu loại này có độ bền màu cao, chỉ dùng lượng nhỏ đã cho màu đạt yêu cầu, nên các cơ sở sản xuất chế biến thức ăn hay dùng để vừa tạo cho sản phẩm đẹp mắt giá thành rẻ mà lại không bị bay màu trong quá trình chế biến, không dễ bị hỏng. Tuy nhiên loại màu thực phẩm này có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Nếu lạm dụng phẩm màu hóa học, hoặc vì lợi nhuận mà sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế để chế biến thực phẩm có thể gây ngộ độc cấp tính, tích luỹ lâu dài gây ung thư…rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, không khó để phân biệt thực phẩm có nhuộm màu hóa học, bởi màu hóa học giúp thực phẩm trở nên tươi, sáng đẹp, đồng nhất, không bị xuống màu. Thực phẩm được nhuộm từ màu tự nhiên sẽ không có độ tươi sáng, không đều, có những điểm lốm đốm và rất dễ xuống màu.