Băng rừng truy tìm "sâm tiến vua" quý hiếm
Băng rừng tìm sâm
Sáng sớm, khi mặt trời chưa thể xuyên thủng màn sương dày đặc, tôi cùng Bo Bo Lợi, Cao Vọng - những người Raglai bản địa đã khởi hành băng rừng, lên núi tìm sâm. Trên đường đi, Lợi giải thích, người Raglai bản địa gọi sâm Bố Chính là sâm núi, sâm đá, được sử dụng để ngâm rượu uống, bồi bổ sức khỏe.
Điều đáng nói, phải hiểu được đặc điểm sinh trưởng của loại cây thân thảo, ưa bóng này mới dễ dàng tìm ra nơi trú ngụ của chúng. Chúng tôi băng qua suối Hàm Neo, hướng lên đỉnh Gia Ngheo, xã Thành Sơn để bắt đầu hành trình tìm “sâm tiến vua”.
Đường lên đỉnh Gia Ngheo mỗi lúc càng khó đi, cơn mưa đêm trước đã khiến con đường vốn đã gập ghềnh nay càng trơn trượt. Vốn là dân ngoại đạo, chưa biết nhiều về loại sâm này, nên tôi thắc mắc không hiểu đặc điểm nhận dạng của nó ra sao, Lợi rành rọt: “Sâm Bố Chính thường mọc dưới rừng có tán lớn, ở những nơi đất pha cát, đặc điểm nổi bật là những bông hoa màu hồng hay nâu đỏ, có pha ít màu vàng”.
Bo Bo Lợi với củ sâm vừa tìm được. |
Sau hơn 2 giờ lội suối, băng rừng, chúng tôi vẫn chưa thấy bóng dáng cây sâm núi ở đâu. Khi tôi bắt đầu thấy nản thì tiếng Lợi chợt vang lên: “Kia kìa, chắc chắn đó là hoa của cây sâm núi”. Đúng như những gì Lợi miêu tả, dưới tán rừng xanh mướt, nổi bật lên những bông hoa màu hồng tía trông thật bắt mắt. Lợi kể, một lần đi rừng Gia Ngheo, tình cờ anh phát hiện ra địa điểm phân bố khá dày loại sâm này. Anh nhớ như in từng phiến đá, gốc cây ở nơi có loài sâm quý và mỗi khi có người từ dưới xuôi lên đặt mua sâm, anh lại lên đỉnh Gia Ngheo tìm. Dứt lời, Lợi chọn một cây sâm có thân khá to, mang dụng cụ ra đào. Sau chừng 20 phút, củ sâm được Lợi cẩn thận nhấc lên. Phủi hết lớp đất xung quanh, tôi thấy bề ngoài củ sâm có màu trắng, hình người, chẳng khác mấy củ nhân sâm tận xứ Hàn.
Một củ sâm Bố Chính loại lớn. |
Cứ như thế, hành trình tìm, đào sâm Bố Chính của chúng tôi tiếp diễn cho đến khi sâm đầy gùi, củ lớn nhất ước chừng 0,8kg, số còn lại là loại 0,2 - 0,3kg/củ. Ngồi nghỉ mệt bên bờ suối, Vọng cho hay: “Hiện nay, do nhiều người ưa chuộng nên sâm Bố Chính có giá khoảng 200.000 đồng/kg loại nhỏ, 300.000 đồng/kg loại lớn. Nếu may mắn, mỗi ngày mỗi người đi tìm sâm có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng, có khi cả triệu đồng”. Tuy nhiên, theo lời Vọng, đặc thù sinh trưởng của sâm Bố Chính theo mùa, chỉ ra hoa vào khoảng thời gian cuối năm, nếu không khai thác kịp cây lụi tàn rất khó phát hiện ra… Vì vậy, kinh nghiệm của người tìm sâm là khai thác vào cuối mùa ra hoa, ngoài ra còn phải đánh dấu các bãi, từng cây để mùa sau có thể tìm được loại sâm này. “Những lúc nông nhàn, người Raglai vẫn thường vào rừng tìm sâm. Sâm núi không chỉ giúp người Raglai bồi bổ sức khỏe mà còn có thêm thu nhập. Với người Raglai bản địa, sâm núi được xem là lộc rừng”, Vọng tâm sự.
Hoa của cây sâm Bố Chính. |
Vị thuốc quý
Trong câu chuyện với những già làng tại xã Thành Sơn, tôi được biết, sâm núi là vị thuốc quý đã được các thầy lang ở miền cao Khánh Sơn sử dụng hàng trăm năm nay. “Trước đây, người già, thầy lang bản địa sử dụng sâm núi để ngâm rượu uống nhằm bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, lá, thân, hạt sâm núi còn được sử dụng kèm với một số loại thảo dược khác để trị suy nhược cho người ốm, chữa sốt, ho, bệnh tiêu hóa…”, già làng Cao Siêng (thôn A Pa 2, xã Thành Sơn) kể.
Rượu ngâm sâm Bố Chính hiện nay là đặc sản của người dân Khánh Sơn. |
Mang những thông tin, hình ảnh về lá, hoa, thân và rễ cây sâm núi đến trao đổi với một số thành viên Hội Đông y tỉnh, đối chiếu với những mô tả của giáo sư Đỗ Tất Lợi trong cuốn “Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam” thì cây sâm núi theo cách gọi của người Raglai bản địa ở Khánh Sơn được xác định là cây sâm Bố Chính. Loại cây này còn có các tên gọi khác tùy theo địa phương như: sâm thổ hào, sâm báo hay nhân sâm Phú Yên… Sở dĩ nó có tên Bố Chính là bởi y gia đầu tiên của Việt Nam sử dụng cây này ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình, xưa là châu Bố Chính). Đây là một vị thuốc quý, phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa các chứng ho, sốt, khát nước, gầy còm; nó còn là một vị thuốc quý để tăng cường khí lực… Tìm hiểu thêm tài liệu về sâm Bố Chính, tôi càng bất ngờ hơn khi biết đây là một trong những sản vật được người Quảng Bình xưa tiến vua, bởi thế nó còn được gọi là “sâm tiến vua”.
Hiện nay, rượu ngâm sâm Bố Chính dần trở thành đặc sản, dành để tiếp, tặng khách quý phương xa của nhiều gia đình ở Khánh Sơn. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đặt mua sâm núi. Để mua được những củ sâm loại lớn, từ 2 - 3kg/củ thì phải đặt trước cho người tìm sâm vài tháng mới mong tìm được. Ở các xã như: Ba Cụm Nam, Sơn Lâm, Thành Sơn… đâu đâu cũng có người chuyên đi đào sâm bán cho người dưới xuôi lên mua, hoặc bán cho các địa điểm chuyên thu mua, ngâm bán rượu sâm tại địa phương.
Khi sâm núi bắt đầu được ưa chuộng, nhu cầu tăng cao, tại Khánh Sơn đã có một số người bắt đầu nghĩ đến chuyện đưa sâm về trồng thử nghiệm. Ông Nguyễn Văn Bính - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phương Đài (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn), người tiên phong mang sâm Bố Chính về trồng tại Khánh Sơn chia sẻ: “Khi loại sâm này ngày càng được ưa chuộng thì nguồn sâm trong tự nhiên cũng ngày càng cạn kiệt. Để bảo vệ nguồn gen của vị thuốc quý, tôi đã quyết định trồng thử nghiệm mấy trăm cây tại trang trại của gia đình ở khu vực Tà Gụ. Qua trồng thử nghiệm, cây sinh trưởng và phát triển tốt; ra hoa, tạo củ không khác mấy ngoài tự nhiên. Hiện nay, tôi đang tiếp tục theo dõi quá trình sinh trưởng của chúng, một khi cây thích nghi tốt với môi trường mới, tôi sẽ nhân rộng”. Ông Bính cũng dự định sẽ phát triển trang trại tại Tà Gụ thành một điểm du lịch sinh thái, kết hợp với trồng dược liệu. Cây sâm Bố Chính sẽ là một trong những loại dược liệu chính được trồng trong trang trại này.
Ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Sâm ngoài tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức. Để bảo tồn nguồn gen, một số người dân, doanh nghiệp ở Khánh Sơn đang đưa sâm từ rừng về trồng thử nghiệm trong vườn nhà. Một khi cây sâm Bố Chính sinh trưởng tốt, đầu ra ổn định, địa phương sẽ có kế hoạch để khuyến khích người dân trồng loại dược liệu này dưới tán rừng; khi đó, nguồn gen của vị thuốc quý này sẽ được bảo tồn…
Theo Báo Khánh Hòa