Từ bản quyền phát sóng World Cup 2022, nhìn lại những lần các mạnh thường quân tài trợ
Theo thông báo của VTV, sau thời gian đàm phán với phía đối tác nắm giữ bản quyền FIFA World Cup, VTV đã chính thức nắm quyền phát sóng độc quyền toàn bộ 64 trận đấu tại giải World Cup 2022 trên lãnh thổ Việt Nam cũng như trên các nền tảng số của VTV.
Để có được bản quyền phát sóng toàn bộ 64 trận đấu tại giải World Cup 2022, VTV đã nhận được sự tài trợ của các mạnh thường quân gồm: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Techcombank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Tập đoàn T&T.
“Bóng đá là môn thể thao được yêu thích nhất tại Việt Nam. Xem các trận bóng đỉnh cao tại các kỳ World Cup cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu với hàng chục triệu người Việt. Vì vậy, tài trợ kinh phí mua bản quyền World Cup 2022 là phù hợp với mong muốn mang lại giá trị thịnh vượng tinh thần cho cộng đồng của VPBank, đúng với tinh thần sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” mà chúng tôi đang thực hiện”, đại diện VPBank chia sẻ.
VTV không tiết lộ giá trị bản quyền phát sóng World Cup 2022 nhưng nhiều thông tin cho rằng giá trị bản quyền đã vượt xa kỷ lục 12 triệu USD của kỳ World Cup diễn ra năm 2018.
Với mức phí bản quyền được đẩy lên cao hơn qua mỗi kỳ World Cup, việc kêu gọi các mạnh thường quân chung tay là giải pháp phù hợp hơn cả. Chỉ riêng VPBank, nhà tài trợ lớn nhất, đã chi tới 100 tỷ đồng để mang bản quyền World Cup về Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên VTV thực hiện xã hội hoá việc này. Tại kỳ World Cup diễn ra cách đây 4 năm trên đất Nga, Vingroup là đơn vị tài trợ 5 triệu USD, tương đương hơn 100 tỷ đồng, để VTV tự tin đàm phán với đối tác nắm giữ bản quyền phát sóng.
Tổng giá trị của bản hợp đồng mà VTV phải trả cho Infront Sports & Media (ISM), đơn vị nắm giữ bản quyền tại 26 quốc gia, khoảng 14-15 triệu USD. Sau khi Vingroup tài trợ 5 triệu USD, số tiền còn lại là của VTV và Viettel.
Lúc đó, quá trình thương thảo hợp đồng của VTV tưởng chừng đi vào ngõ cụt, khi đối tác ISM đưa ra giá quá cao, trong khi VTV nói không mua bằng mọi giá, vì không thể cân đối được ngân sách.
Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup, khẳng định chỉ hỗ trợ tài chính, doanh nghiệp hoàn toàn không tham gia gì vào quá trình đàm phán, chốt hợp đồng. Ông cũng nói Vingroup sẽ không nhận bất cứ quyền lợi nào cho phần tài trợ này.
"Nếu có Vingroup xuất hiện, đó là vì chúng tôi đầu tư thêm 1 triệu USD để mua quảng cáo giữa các trận đấu. Việc này cũng không có gì khác biệt, giống như các doanh nghiệp khác khi quảng cáo trên truyền hình", ông Quang nói.
Việc Vingroup tài trợ khi đó cũng xoá tan những đồn đoán về việc Tập đoàn FLC nhận tài trợ mua bản quyền. Thậm chí, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC khi đó còn lên tiếng khẳng định, “FLC sẵn sàng góp sức chia sẻ chi phí này (chi phí bản quyền – PV) với đài truyền hình thông qua các hình thức phù hợp, để công chúng yêu bóng đá tại nước nhà được thưởng thức một mùa World Cup trọn vẹn niềm vui”.
Trong khi đó, World Cup 2014 tại Brazil, VTV đã chi 7 triệu USD, tương đương khoảng 150 tỷ đồng cho gói bản quyền phát sóng. Tuy nhiên, không có thông tin về việc VTV kêu gọi tài trợ cho gói bản quyền này.
Trước đó, MP&Silva ra giá tới 10 triệu USD (chưa tính phí truyền dẫn vệ tinh lên tới 2 triệu USD) cho gói bản quyền truyền hình World Cup 2014. Mức giá 7 triệu USD cho bản quyền truyền hình World Cup 2014 cao gần gấp 3 lần mức 2,7 triệu USD của gói bản quyền truyền hình World Cup 2010, và không rẻ hơn quá nhiều so với mức giá MP&Silva chào bán trước đó.
Trước đó, MP & Silva đã phải chi 7 triệu USD để sở hữu bản quyền World Cup 2014 tại Việt Nam và không được phép bán cho quốc gia nào khác. Và MP&Silva chấp nhận bán hòa vốn cho VTV để đẩy đi món hàng ế.
Tuân Nguyễn