Bán quyền thu phí cao tốc, Công ty Yên Khánh bị phạt gần 265 tỷ đồng
Nếu chậm nộp phạt, thu hồi quyền thu phí
Cụ thể, theo tính toán của Tổng công ty Cửu Long, số tiền phạt theo quy định tại Điều 13 của Hợp đồng số 4746/CIPM – HĐ là 264.736.286.000 đồng.
Ngày 30/7/2018, Tổng công ty Cửu Long đã có văn bản số 1910/CIPM – TCKT gửi Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Thành Đô tịch thu toàn bộ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng (100.207.650.000 đồng) tại thư bảo lãnh số 474/TBL – BIDV. TĐ (1513600014094) do Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Thành Đô cấp ngày 24/12/2013 để thi hành việc nộp phạt chậm thanh toán Hợp đồng 4746/CIPM – HĐ thay cho Công ty Yên Khánh.
Hiện nay, Tổng công ty Cửu Long đang làm việc với Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Thành Đô để tịch thu bảo lãnh hợp đồng nói trên.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cũng đã có thông báo số 244/TB – TCĐBVN ngày 03/8/2018 yêu cầu Công ty Yên Khánh phải nộp toàn bộ số tiền chậm thanh toán. Trong tháng 8/2018, nộp toàn bộ số tiền phạt sau khi trừ thuế VAT đã nộp. Nếu ngày 25/8/2018 Công ty Yên Khánh chưa nộp số tiền phạt nêu trên thì Tổng Cục ĐBVN sẽ báo cáo với Bộ GTVT thu hồi quyền thu phí và giao cho Tổng công ty Cửu Long để thực hiện thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 01/9/2018 để thu hồi số tiền phạt hợp đồng bán quyền thu phí.
Theo kiến nghị của Tổng công ty Cửu Long thì sẽ thu hồi số tiền phạt còn lại 164.520.636.000 đồng theo 02 phương án:
Thứ nhất: Công ty Yên Khánh tự nguyện giao nộp tiền thu phí hàng ngày, chậm nhất từ ngày 01/9/2018, chuyển tiền thu phí hàng ngày tại các trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương cho Tổng công ty Cửu Long để nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo đó, Tổng cục ĐBVN và Tổng công ty Cửu Long giám sát việc thu phí hàng ngày của Công ty Yên Khánh tại các trạm thu phí. Số tiền hàng ngày và thời gian thu tiền để đảm bảo thu hồi đủ số tiền phạt còn lại: căn cứ vào tình hình doanh thu hiện nay thì số tiền thu hàng ngày khoảng 1,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 01/9/2018 đến khi kết thúc hợp đồng (ngày 31/12/2018).
Thứ hai: Cơ quan nhà nước thẩm quyền cưỡng chế thi hành ngay từ ngày 01/9/2018, Bộ GTVT thu hồi quyền thu phí đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương giao cho Tổng công ty Cửu Long để thu phí nộp vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của Tổng công ty Cửu Long, đơn vị này mong muốn Bộ GTVT phối hợp với Công ty Yên Khánh để thống nhất thực hiện theo phương án Công ty Yên Khánh tự nguyện giao nộp tiền thu phí hàng ngày.
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương. (Ảnh: Zing.vn) |
Đề nghị tiếp tục bán quyền thu phí đến 30/6/2020
Hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương có thời hạn 5 năm (từ ngày 1/1/2014 đến hết ngày 31/12/2018). Để có được quyền này, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh phải trả giá 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do quá trình triển khai dự án kéo dài, dự kiến đến quý 02/2020 mới hoàn thành, phía Tổng công ty Cửu Long nhìn nhận sẽ xuất hiện “khoảng trống” thời gian thu phí từ ngày 01/01/2019 đến 30/6/2020, trước khi bàn giao cho nhà đầu tư tiếp nhận thu phí.
Nhằm đảm bảo khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công một cách có hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật, Tổng công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục bán quyền thu phí dự án đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương sau khi kết thúc hợp đồng bán quyền thu phí vào cuối năm nay.
Tổng công ty Cửu Long "xung phong" lập đề án bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương, trình Bộ xem xét, trình cấp thẩm quyền chấp thuận.
Cụ thể, các bước triển khai đề án được thực hiện theo tiến trình bao gồm danh mục tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị bán quyền thu phí; phương án bán quyền thu phí; thời hạn bán quyền thu phí; quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán quyền thu phí…
Sau đó, Bộ GTVT trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành quyết định bán quyền thu phí đồng thời thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá khởi điểm bán đấu giá; đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng vào cuối năm nay.
Cao tốc TP.HCM-Trung Lương dài 62km gồm 6 làn xe, được thiết kế với vận tốc 120 km/giờ, kinh phí xây dựng hơn 9.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc đầu tiên dành cho ôtô được thông xe ngày 03/02/2010 giúp rút ngắn thời gian từ TP.HCM-Tiền Giang chỉ còn 30 phút, thay vì 90 phút trước kia.
Công ty Yên Khánh được thành lập năm 2005, có trụ sở tại 35-37 Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM; do doanh nhân 8x - Vũ Thị Hoan (sinh năm 1985) làm Chủ tịch HĐQT. Sau 13 năm hoạt động, vốn điều lệ của Yên Khánh hiện nay là 1.800 tỷ đồng gồm ba cổ đông sáng lập là: bà Đinh Thị Hiên (30%), Vũ Thị Hoan (69,5%) và Đinh Thị Liên (0,5%). Tuổi trẻ tài cao, Công ty Yên Khánh của bà Vũ Thị Hoan cùng các đối tác đã “thâu tóm” được rất nhiều dự án BT, BOT.
Theo quyết định phê duyệt kết quả bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương của Bộ GTVT, từ ngày 1/1/2014, Công ty Yên Khánh sẽ được thu phí tại 4 trạm trên tuyến đường là Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa. Trước đó, Công ty CP Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) đã đàm phán mua quyền thu phí tuyến đường với giá hơn 9.100 tỷ đồng trong 25 năm. Tuy nhiên, do khó khăn trong vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và hiệu quả tài chính của dự án thấp nên cuối năm 2011 BIDV thông báo không mua. |
Theo Nhà đầu tư